Đã đến lúc thừa nhận sự tồn tại và tiềm năng của tài sản mã hóa tại Việt Nam

VTV.vn - Thống kê cho thấy khoảng 6% dân số thế giới tham gia giao dịch tài sản ảo, với quy mô giao dịch hàng ngày lên đến 200 tỷ USD. Việt Nam cần sớm có khung pháp lý phù hợp để quản lý hiệu quả thị trường này.

Việt Nam hiện xếp thứ 7 trên thế giới về giao dịch tài sản ảo, với quy mô thị trường ước tính khoảng 105 tỷ USD và khoảng 17 triệu người Việt sở hữu tài sản mã hoá. Việc chính thức thừa nhận sự tồn tại của loại tài sản này là vô cùng quan trọng để quản lý thị trường một cách hiệu quả.

Nguy cơ lừa đảo và rửa tiền do thiếu khung pháp lý rõ ràng

Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đang đặc biệt quan tâm đến vấn đề quản lý tài sản mã hoá. Bộ Tài chính đã được giao nhiệm vụ hoàn thiện khung pháp lý để quản lý các loại tài sản mã hóa, tiền mã hóa. Bộ sẽ phối hợp với các bộ liên quan để nghiên cứu thực trạng và kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ gần đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung đã nhấn mạnh rằng Bộ đã kiến nghị với Chính phủ về việc chính thức thừa nhận sự tồn tại và tiềm năng của tài sản số. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong cách tiếp cận chính sách đối với lĩnh vực này.

“Quan điểm và nguyên tắc là triển khai một cách thận trọng, có lộ trình rõ ràng, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo an toàn, minh bạch và hiệu quả. Đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức tham gia thị trường mã hóa. Việc triển khai này sẽ được thực hiện thí điểm trên thị trường giao dịch và phát hành tài sản mã hóa, hứa hẹn mở ra một kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp, bên cạnh các tài sản tài chính truyền thống”, ông Trung cho biết. Việc triển khai thí điểm thị trường cần tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của các quốc gia mà nhà đầu tư nước ngoài tham gia trên thị trường tài sản mã hóa là công dân.

Trước đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về việc triển khai thí điểm phát hành và giao dịch tài sản mã hóa. Dự thảo đề xuất cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm thúc đẩy hoạt động thị trường, đồng thời hạn chế tối đa các rủi ro về an ninh tài chính như nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Đã đến lúc cần thừa nhận sự tồn tại của tài sản mã hóa - Ảnh 1.

Thực tế trên thế giới cho thấy chi phí phòng chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố là một gánh nặng lớn đối với các đơn vị vận hành sàn giao dịch.

Theo báo cáo của Chainalysis, một tổ chức chuyên phân tích dữ liệu blockchain, tổng giá trị tiền mã hóa chảy vào Việt Nam từ tháng 10/2021 đến tháng 10/2022 ước tính đạt 90,8 tỷ USD. Đáng chú ý, gần 1 tỷ USD trong số đó có liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp như lừa đảo, rửa tiền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Điều này cho thấy sức hút của tiền mã hóa đối với người dân và doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời bộc lộ những lỗ hổng trong việc quản lý dòng tiền số.

Đại diện Bộ Công an cho rằng, để quản lý các sàn giao dịch tài sản mã hóa, cần xây dựng một khung pháp lý rõ ràng, toàn diện, đồng thời tăng cường sự phối hợp liên ngành, ứng dụng các công cụ quản lý tiên tiến và xử lý nghiêm các sàn giao dịch không phép.

Ông Dương Đức Hùng, Phó trưởng phòng Phòng chống khủng bố, Cục An ninh Nội địa, Bộ Công an, đề xuất tăng cường điều tra và xử lý nghiêm các sàn giao dịch không phép, với mức phạt hành chính cao và truy cứu trách nhiệm hình sự nếu phát hiện liên quan đến tài trợ khủng bố hoặc rửa tiền. Đồng thời, cần công khai danh sách các sàn không phép trên các phương tiện truyền thông để cảnh báo người dân và phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ internet để chặn truy cập vào những nền tảng này.

Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục Trưởng Cục Phòng chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhấn mạnh rằng việc xây dựng khung pháp lý để quản lý các sàn giao dịch đặt ra yêu cầu phức tạp về quản trị rủi ro do tính chất ẩn danh, xuyên biên giới và phi tập trung của tài sản mã hóa. Thực tế quốc tế cho thấy chi phí phòng chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố là một gánh nặng đáng kể đối với các đơn vị vận hành sàn giao dịch.

“Vì vậy, NHNN đã tham mưu và đề xuất quy định các sàn giao dịch phải thực thi nhiều yêu cầu chặt chẽ về phòng chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố, dựa trên quy định pháp luật và chuẩn mực quốc tế. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt các nghĩa vụ này”, bà Thơ khẳng định.

Kinh nghiệm quản lý sàn giao dịch tài sản mã hóa trên thế giới

Việc triển khai thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hóa, đồng thời thúc đẩy Luật Công nghiệp Công nghệ số, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng khung pháp lý cho lĩnh vực tài sản số, theo ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam. Ông nhấn mạnh điều này tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, vận hành sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung”.

Việc luật hóa tài chính phi tập trung không chỉ đảm bảo tính pháp lý của các tài sản mã hóa mà còn thúc đẩy đổi mới công nghệ và hội nhập toàn cầu, giúp Việt Nam tối ưu hóa nguồn lực từ thị trường mã hóa đang phát triển mạnh mẽ và thực hiện các cam kết về phòng chống rửa tiền của chính phủ.

Thực tế cho thấy, dù chưa có khung pháp lý chính thức, Việt Nam hiện có khoảng 20 sàn giao dịch tài sản mã hóa hoạt động ngầm. Pháp luật hiện hành không cấm, nhưng các sàn này hoạt động trong vùng xám, không có pháp nhân cụ thể, mà chỉ có đại diện các nhóm phát triển thị trường. Nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai các mô hình quản lý hiệu quả đối với sàn giao dịch tài sản mã hóa, mang lại những bài học quý giá cho Việt Nam trong quá trình xây dựng khung pháp lý phù hợp.

Tại Hoa Kỳ, các sàn giao dịch lớn như Coinbase, Kraken và Gemini phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố (AML/CFT) theo Đạo luật Bảo mật Ngân hàng (BSA). Các sàn này bắt buộc phải thực hiện KYC, lưu trữ dữ liệu giao dịch trong ít nhất 5 năm và báo cáo các giao dịch đáng ngờ cho FinCEN. Vụ việc Binance bị phạt 4,3 tỷ USD vào năm 2023 do vi phạm quy định AML là một minh chứng rõ ràng cho sự giám sát mạnh mẽ. Hoa Kỳ cũng yêu cầu tích hợp công nghệ giám sát blockchain như Chainalysis để phát hiện vi phạm từ sớm.

Đã đến lúc cần thừa nhận sự tồn tại của tài sản mã hóa - Ảnh 2.

Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua Đạo luật MiCA, có hiệu lực từ năm 2024, yêu cầu tất cả các sàn giao dịch hoạt động tại khu vực phải đăng ký với cơ quan quản lý của từng quốc gia thành viên. Các quy định bao gồm áp dụng KYC nghiêm ngặt, công khai danh tính pháp nhân và phối hợp với Europol trong việc điều tra giao dịch. Những sàn không tuân thủ sẽ bị cấm hoạt động trên toàn bộ lãnh thổ EU.

Tại Hàn Quốc, nước này đã ban hành Đạo luật Báo cáo và sử dụng thông tin giao dịch tài chính đặc thù vào năm 2021. Các sàn giao dịch buộc phải đăng ký với FSC, tích hợp hệ thống giám sát theo thời gian thực và liên kết với ngân hàng trong nước để kiểm soát tài khoản người dùng. Kết quả là hơn 60 sàn nhỏ không đáp ứng yêu cầu đã phải đóng cửa, giúp giảm rõ rệt rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Những mô hình trên cho thấy, việc quản lý hiệu quả các sàn giao dịch tài sản số đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa pháp luật nghiêm minh, công nghệ giám sát hiện đại và trách nhiệm cao từ chính các sàn giao dịch. Đây là định hướng mà Việt Nam có thể tham khảo trong tiến trình xây dựng nền tảng pháp lý vững chắc cho nền kinh tế số.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!

Bài viết liên quan

Bài viết mới nhất