Chính quyền Mỹ siết chặt tài trợ, gây áp lực lên các đại học hàng đầu: Harvard đối mặt khó khăn
VTV.vn - Cuộc đối đầu giữa chính quyền Tổng thống Trump và các trường đại học hàng đầu của Mỹ làm dấy lên lo ngại về tự do học thuật và tính độc lập của nền giáo dục đại học.
Ngày 15/4, Tổng thống Donald Trump tiếp tục gây sức ép lên Đại học Harvard bằng việc đe dọa tước quyền miễn thuế và yêu cầu nhà trường xin lỗi vì cáo buộc "hành vi bài Do Thái trắng trợn". Trước đó, Bộ Giáo dục Mỹ đã tạm ngừng khoản tài trợ liên bang trị giá hơn 2 tỷ USD cho Harvard.
Theo phát ngôn viên Nhà Trắng, Tổng thống Trump muốn đảm bảo ngân sách liên bang không được sử dụng cho các hoạt động bị xem là phân biệt đối xử. Bộ Giáo dục Mỹ cũng yêu cầu Harvard giảm ảnh hưởng của những giảng viên, nhân viên và sinh viên có xu hướng thiên về các hoạt động xã hội và chính trị thay vì tập trung vào học thuật.
Đây là một phần trong loạt yêu cầu rộng hơn của chính quyền Mỹ đối với các trường đại học, bao gồm việc chấm dứt các chương trình về đa dạng, công bằng và hòa nhập; loại bỏ ưu tiên chủng tộc trong tuyển sinh; hợp tác với cơ quan di trú để giám sát sinh viên quốc tế và kiểm soát chặt chẽ các nhóm sinh viên có quan điểm chính trị nhạy cảm.
Lối vào khuôn viên Đại học Harvard, Cambridge, Mass. (Ảnh: AP)
Ít nhất 19 trường đại học lớn khác cũng đã nhận được cảnh báo từ Bộ Giáo dục Mỹ về việc có thể mất tài trợ nếu không xử lý hiệu quả tình trạng bài Do Thái trong khuôn viên.
Trước áp lực từ chính quyền, đại diện Đại học Harvard và Hiệp hội Giáo sư Đại học Mỹ đã phản đối các yêu cầu này, cho rằng chúng vi phạm nguyên tắc tự do học thuật và quyền tự trị của các trường.
Về mặt tài chính, các trường đại học như Harvard và Columbia có thể chưa bị ảnh hưởng nhiều trong ngắn hạn do nguồn thu lớn từ quỹ hiến tặng và học phí. Tuy nhiên, về lâu dài, việc cắt giảm tài trợ sẽ tác động đáng kể đến các chương trình nghiên cứu trong các lĩnh vực như y học, công nghệ và môi trường.
Nhiều trường hiện đang phải thu hẹp các chương trình không ưu tiên, khiến nhiều giáo sư đối mặt với nguy cơ mất việc. Đại học Harvard dự kiến sẽ nợ hơn 7 tỷ USD vào cuối năm tài khóa 2024 và đang lên kế hoạch phát hành trái phiếu trị giá 750 triệu USD. Đại học Princeton cũng đang cân nhắc phát hành 320 triệu USD trái phiếu.
Các chuyên gia cảnh báo rằng nếu xu hướng này tiếp tục, nhiều dự án nghiên cứu khoa học quan trọng - bao gồm nghiên cứu về ung thư, Alzheimer, đột quỵ và HIV - có thể bị đình trệ, gây ảnh hưởng lâu dài đến hệ thống giáo dục và cộng đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!