Thảm kịch động đất ở Myanmar: Số người chết vượt quá 1.000

Số người chết do động đất ở Myanmar vượt quá 1.000

Chính quyền Myanmar thông báo: "Cơ sở hạ tầng như cầu, đường và các tòa nhà đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do trận động đất, gây ra những thương vong lớn cho dân thường. Các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ đang được khẩn trương tiến hành."

Theo thống kê mới nhất từ giới chức Myanmar, ít nhất 1.002 người đã thiệt mạng và 2.376 người khác bị thương sau trận động đất.

Lực lượng cứu nạn đang nỗ lực tìm kiếm những người còn mắc kẹt trong đống đổ nát sau động đất ở Naypyitaw, Myanmar, ngày 29/3. Ảnh: AP

Lực lượng cứu nạn đang nỗ lực tìm kiếm những người còn mắc kẹt trong đống đổ nát sau động đất ở Naypyitaw, Myanmar, ngày 29/3. Ảnh: AP

Chính phủ Myanmar đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại 6 khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, bao gồm Sagaing, Mandalay, Magway, đông bắc bang Shan, Naypyidaw và Bago.

Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết đã ghi nhận ít nhất 14 dư chấn sau trận động đất mạnh 7,7 độ Richter hôm 28/3, gây thêm khó khăn cho công tác tìm kiếm cứu nạn và thống kê thiệt hại.

Theo các nhà địa chất Mỹ, đây là trận động đất lớn nhất xảy ra ở Myanmar trong hơn một thế kỷ qua. Tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo chính quyền Myanmar, đã yêu cầu đẩy nhanh các nỗ lực cứu hộ tại các khu vực bị ảnh hưởng.

Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar với hơn 1,7 triệu dân, chịu thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Truyền thông đưa tin nhiều tòa nhà đã bị phá hủy hoàn toàn. Người dân địa phương cho biết một bệnh viện và một khách sạn đã bị sập, và thành phố đang thiếu nhân viên cứu hộ trầm trọng.

Tại một bệnh viện lớn ở thủ đô Naypyidaw, các nhân viên y tế phải điều trị cho người bị thương ngay ngoài trời. Một bác sĩ chia sẻ: "Tôi chưa từng chứng kiến cảnh tượng nào như thế này. Chúng tôi đang cố gắng hết sức để ứng phó, nhưng tôi thực sự kiệt sức rồi."

Vị trí tâm chấn của trận động đất và đường đứt gãy Sagaing. Đồ họa: Quỹ Mô hình Động đất Toàn cầu

Vị trí tâm chấn của trận động đất và đường đứt gãy Sagaing. Đồ họa: Quỹ Mô hình Động đất Toàn cầu

Chính phủ Myanmar đã kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Mỹ, Ấn Độ, Indonesia, Pháp và Liên minh châu Âu (EU) đã đề nghị giúp đỡ nước này trong chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang gấp rút huy động vật tư y tế để viện trợ cho khu vực bị ảnh hưởng bởi thảm họa. Bộ Ngoại giao Malaysia thông báo đã điều động một đội gồm 10 thành viên thuộc cơ quan ứng phó thảm họa quốc gia tới Myanmar và dự kiến sẽ cử thêm 40 người vào ngày 30/3.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar cho biết, một máy bay chở đội cứu hộ 37 người từ Trung Quốc đã hạ cánh xuống Yangon vào sáng sớm ngày 29/3, mang theo thuốc men và thiết bị phát hiện dấu hiệu sự sống. Nga cũng thông báo sẽ cử 120 nhân viên cứu hộ giàu kinh nghiệm, cùng với các bác sĩ và chó nghiệp vụ, đến Myanmar.

Trận động đất mạnh 7,7 độ Richter xảy ra vào trưa ngày 28/3, với tâm chấn ở độ sâu 10 km, cách thành phố Sagaing, miền trung Myanmar, khoảng 16 km về phía tây bắc. Trận động đất đã gây ra sự tàn phá trên diện rộng ở Myanmar và Thái Lan, và chấn động cũng có thể cảm nhận được ở Việt Nam và Trung Quốc.

Giám đốc Ủy ban Cứu hộ Quốc tế tại Myanmar, Mohamed Riyas, nhận định rằng có thể mất nhiều tuần để đánh giá đầy đủ mức độ tàn phá của trận động đất, nhưng khẳng định rằng tác động là "rất nghiêm trọng". Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) đã công bố đánh giá sơ bộ, ước tính có 35% khả năng số người thiệt mạng sẽ nằm trong khoảng từ 10.000 đến 100.000 người, và 36% khả năng con số này sẽ vượt quá 100.000.

Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)

Bài viết liên quan

Bài viết mới nhất