Phúc thẩm Vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Huệ Vân khai 'Lúc phạm tội còn rất non trẻ'

Ngày 26/3, phiên tòa phúc thẩm xem xét kháng cáo của bà Trương Mỹ Lan (69 tuổi, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát) và cháu ruột Trương Huệ Vân (Tổng giám đốc Công ty tập đoàn quản lý bất động sản Windsor) cùng 26 đồng phạm về các sai phạm trong giai đoạn 2 của đại án tiếp tục với phần thẩm vấn.

Tại tòa, Trương Huệ Vân trình bày nội dung kháng cáo, cho biết đã được cấp sơ thẩm phân hóa vai trò và ghi nhận nhiều tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên, bà vẫn kháng cáo, mong muốn tòa phúc thẩm xem xét thêm các yếu tố.

Trong giai đoạn hai của đại án, Trương Huệ Vân bị TAND TP HCM tuyên phạt 5 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với vai trò đồng phạm, bà Vân đã ký nhiều chứng từ, hợp đồng khống, giúp bà Lan chiếm đoạt 13.000 tỷ đồng (trong tổng số hơn 30.000 tỷ đồng) từ các trái chủ.

"Bị cáo trình bày rằng, thời điểm thực hiện hành vi sai phạm, bị cáo mới vào nghề, còn non trẻ, thiếu hiểu biết về pháp luật và không tường tận về lĩnh vực mình tham gia. Bị cáo chỉ ký hoàn thiện hồ sơ mà hoàn toàn không có ý định chiếm đoạt tài sản của bất kỳ ai", bị cáo Vân trình bày trước tòa.

Trương Huệ Vân tại phiên phúc thẩm. Ảnh: Thanh Tùng

Trương Huệ Vân tại phiên phúc thẩm. Ảnh: Thanh Tùng

Chủ tọa Phạm Công Mười khẳng định, bị cáo là một mắt xích quan trọng trong chuỗi hành vi sai phạm, gây thiệt hại lớn cho vụ án, do đó phải chịu trách nhiệm tương xứng. Vân nhỏ giọng đáp: "Bị cáo không phủ nhận sai phạm và chịu trách nhiệm về những gì đã ký".

Cựu CEO Công ty tập đoàn quản lý bất động sản Windsor cho biết thêm, đến nay đã khắc phục được tổng cộng 5 tỷ đồng (trong đó, 2 tỷ đồng được khắc phục tại cấp phúc thẩm). Ngoài ra, bị cáo còn một số tình tiết giảm nhẹ mới, sẽ được luật sư trình bày sau.

Đối với Võ Tấn Hoàng Văn (cựu tổng giám đốc SCB), ông cho rằng mức án sơ thẩm cho cả hai tội danh là quá nặng. Tuy nhiên, kháng cáo của ông không nhằm mục đích xin giảm nhẹ hình phạt, mà mong muốn tòa xem xét lại tính chất, mức độ của hành vi và tính chính xác của các gói trái phiếu bị cáo buộc phát hành.

Ông Văn bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 12 năm tù vì có vai trò giúp sức tích cực cho bà Lan, triển khai bán các gói trái phiếu cho người dân, giúp bà Lan chiếm đoạt hơn 28.469 tỷ đồng của 35.818 bị hại. Ngoài ra, ở tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, ông này đã tham gia phê duyệt 20 giao dịch, ký các lệnh chuyển tiền giúp bà Lan chuyển trái phép ra nước ngoài với tổng trị giá hơn 516 triệu USD (11.998 tỷ đồng), bị tuyên phạt 5 năm tù.

Theo ông Văn, bản án sơ thẩm kết tội ông về 3 gói trái phiếu An Đông, Quang Thuận và Setra. Tuy nhiên, ông đã nghỉ việc tại SCB từ tháng 6/2020, và gói Setra được phát hành sau đó, nên không liên quan.

Võ Tấn Hoàng Văn tại tòa phúc thẩm. Ảnh: Thanh Tùng

Võ Tấn Hoàng Văn tại tòa phúc thẩm. Ảnh: Thanh Tùng

Trả lời chủ tọa về việc giúp sức phát hành trái phiếu bán cho các trái chủ, ông Văn thừa nhận có tham gia trong phiên họp đầu tiên về phương án phát hành và được bà Lan tham vấn ý kiến. Tuy nhiên, bị cáo không phải người đào tạo chuyên môn về chứng khoán nên không biết việc phát hành trái phiếu lúc đó là trái pháp luật.

Chủ tọa nhìn thẳng bị cáo và nói: "Tôi thấy rất đáng tiếc cho các bị cáo - đều là những người có chuyên môn cao, rất tinh nhuệ về tài chính. Không hiểu vì lý do gì, chịu sự chi phối gì, mà các bị cáo lại thực hiện hành vi vi phạm pháp luật?".

Ông Văn trả lời rõ ràng: Thời điểm đó, khung pháp lý về việc phát hành trái phiếu còn nhiều điểm chưa rõ ràng, cần chờ các nghị định sửa đổi của Chính phủ. "Bản thân bị cáo cũng cảm thấy đau lòng vì đã gây ra hậu quả vụ án. Bị cáo có tham gia vào việc phân phối trái phiếu đến các bị hại vì muốn tăng thêm nguồn thu cho SCB. Sau này khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo mới nhận thấy mình sai", ông Văn nói và nhận trách nhiệm về sai phạm với tư cách là người đứng đầu ngân hàng.

Bị cáo cũng cho rằng, quy trình phân phối trái phiếu đến người dân là đúng quy định, bằng chứng là một số nhân viên SCB tham gia vào quá trình này không bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, chủ tọa không đồng tình với quan điểm này, cho biết các nhân viên SCB không bị xử lý vì họ chỉ là những người làm công ăn lương, không biết được mục đích của việc phát hành trái phiếu là trái pháp luật.

Về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, ông Văn xin HĐXX xem xét về 13/20 giao dịch được thực hiện để trả nợ cho các khoản bà Lan đã vay từ nước ngoài trước đó. "Tiền vay chuyển từ nước ngoài vào thì không bị xác định là vi phạm nhưng số tiền trả nợ lại vi phạm, mong HĐXX xem xét", ông Văn nói.

Tuy nhiên, HĐXX giải thích, bản chất các hợp đồng này đều là hợp đồng khống. Là người ký, bị cáo phải hiểu về tính hợp pháp của các hợp đồng đó.

Bà Trương Mỹ Lan tại tòa phúc thẩm. Ảnh: Thanh Tùng

Bà Trương Mỹ Lan tại tòa phúc thẩm. Ảnh: Thanh Tùng

Trong sáng nay, HĐXX đã thẩm vấn 5 bị cáo khác về vai trò đồng phạm với bà Lan. Hầu hết các bị cáo đều xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Chiều nay, HĐXX sẽ tiếp tục xét hỏi bà Lan về các yêu cầu kháng cáo.

Trong giai đoạn 2 của vụ án Vạn Thịnh Phát đang được xét xử phúc thẩm, bà Lan bị cáo buộc cùng đồng phạm thực hiện các hành vi: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (30.081 tỷ đồng của 35.824 trái chủ) thông qua việc phát hành trái phiếu khống; Rửa tiền (445.747 tỷ đồng) và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (4,5 tỷ USD - tương đương 106.730 tỷ đồng).

Hải Duyên

Bài viết liên quan

Bài viết mới nhất