Thế giới hiện có nhiều loại tài sản số khác nhau - Ảnh: Bankrate
Xử phạt đến 500 triệu đồng nếu không xác minh danh tính nhà đầu tư
Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo sửa đổi các nghị định liên quan đến xử phạt trong lĩnh vực chứng khoán, bao gồm các quy định mới về tài sản mã hóa nhằm tăng cường quản lý thị trường.
Theo cơ quan soạn thảo, việc bổ sung quy định về xử phạt hành chính đối với thị trường tài sản mã hóa là cần thiết do hiện tại chưa có khung pháp lý cụ thể.
Dự thảo đề xuất mức phạt tiền từ 300.000 đến 500.000 đồng đối với tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa nếu không thực hiện xác minh danh tính nhà đầu tư khi mở tài khoản.
Mức phạt có thể lên tới 1 tỉ đồng nếu tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa không đảm bảo tính chính xác, đầy đủ, rõ ràng và gây hiểu lầm trong thông tin quảng cáo, tiếp thị về tài sản mã hóa.
Việc không quản lý tách biệt tài sản mã hóa của khách hàng với tài sản của tổ chức có thể bị phạt từ 1 tỉ đến 1,5 tỉ đồng.
Mức phạt tương tự cũng áp dụng cho các hành vi không thực hiện giám sát hoạt động giao dịch tài sản mã hóa hoặc không đảm bảo đúng đối tượng tham gia hoạt động phát hành hay giao dịch.
Dự thảo cũng đề xuất mức phạt từ 1,5 tỉ đến 2 tỉ đồng đối với tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa thực hiện các hành vi vi phạm như tự doanh tài sản mã hóa, cung cấp dịch vụ lưu ký tài sản mã hóa hoặc cung cấp nền tảng phát hành tài sản mã hóa khi chưa được cấp phép.
Ngoài ra, việc cung cấp dịch vụ liên quan đến tài sản mã hóa không thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa được cấp phép tại Việt Nam cũng sẽ bị xử phạt tương tự.
Các hành vi quảng cáo, tiếp thị liên quan đến tài sản mã hóa khi chưa được cấp phép cung cấp dịch vụ tổ chức thị trường giao dịch tài sản mã hóa tại Việt Nam hoặc không tuân thủ các quy định về an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin và bảo vệ tài sản của khách hàng cũng có thể bị phạt từ 1,5 tỉ đến 2 tỉ đồng.
Xử phạt nhà đầu tư không mở tài khoản và chuyển tài sản mã hóa về Việt Nam
Bộ Tài chính cũng đề xuất mức phạt từ 1,5 tỉ đến 2 tỉ đồng cho hành vi thao túng thị trường tài sản mã hóa. Tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa vi phạm có thể bị đình chỉ hoạt động từ 3 đến 5 tháng.
Đáng chú ý, nhà đầu tư không mở tài khoản và chuyển tài sản mã hóa đang sở hữu về lưu giữ, giao dịch tại các tổ chức được cơ quan này cấp phép có thể bị phạt từ 100 triệu đến 200 triệu đồng.
Dự thảo cũng quy định tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt liên quan đến tài sản mã hóa và thị trường tài sản mã hóa sẽ bị xử phạt theo quy định tại nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Quốc hội cũng đã thảo luận dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, trong đó có các quy định mới về tài sản mã hóa.
Theo dự thảo, tài sản số là tài sản theo quy định tại Bộ luật Dân sự, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bằng công nghệ số trên môi trường điện tử.