Sáp nhập tỉnh: Hơn 50% tỉnh thành trên cả nước có thể thay đổi

Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo Luật sửa đổi, với 7 chương và 49 điều, giảm một điều so với luật hiện hành. Điểm đáng chú ý là đề xuất mô hình chính quyền địa phương hai cấp, bao gồm cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) và cấp cơ sở (xã, phường, đặc khu). Dự thảo tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp cơ sở, nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước đang bước vào giai đoạn 2. Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi Hiến pháp tại kỳ họp thứ 9, tập trung vào việc sắp xếp cấp tỉnh, cấp xã và có thể bỏ cấp huyện. Theo đó, số lượng 63 tỉnh thành có thể giảm khoảng 50% sau sắp xếp. Khi sửa đổi Hiến pháp hoàn tất, cấp hành chính quận huyện có thể không còn. Đối với cấp xã, dự kiến giảm 60-70% so với con số 10.035 xã hiện tại sau quá trình sáp nhập.

Kỳ họp thứ 9 sẽ kéo dài gần hai tháng, với thời gian nghỉ giữa kỳ để lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ họp liên tục để xem xét sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã và thông qua nghị quyết liên quan trước ngày 30/6. Các nghị quyết về sắp xếp, sáp nhập tỉnh, xã dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7.

Trung tâm TP Ninh Bình năm 2024 - Thành phố Hoa Lư sau mở rộng. Ảnh: Lê Hoàng

Trung tâm TP Ninh Bình năm 2024 - Thành phố Hoa Lư sau mở rộng. Ảnh: Lê Hoàng

Trước đó, ngày 28/2, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành kết luận 127, giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng đề án, tờ trình Bộ Chính trị về việc sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, xem xét không tổ chức cấp huyện và tiếp tục sáp nhập cấp xã.

Đảng ủy Chính phủ thống nhất trình phương án giảm 50% đơn vị hành chính cấp tỉnh và 60-70% đơn vị cấp cơ sở. Theo kế hoạch, việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ hoàn tất trước 30/8 và đi vào hoạt động từ tháng 9. Đối với cấp xã, việc sáp nhập dự kiến hoàn thành trước 30/6 và vận hành từ 1/7.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh cần sắp xếp đã được xác định rõ sau cuộc họp của Bộ Chính trị hôm 16/3.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh rằng việc tinh gọn bộ máy và tổ chức lại đơn vị hành chính không chỉ là điều chỉnh địa giới hành chính mà còn liên quan đến điều chỉnh không gian kinh tế, phân công, phân cấp, phân bổ và kết hợp các nguồn lực kinh tế.

Hiện Việt Nam có 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh, 696 quận huyện và 10.035 xã phường. Theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để đạt chuẩn, đơn vị hành chính cấp tỉnh cần đáp ứng các tiêu chí về diện tích, dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện. Hiện chỉ có 15 tỉnh, thành đáp ứng đủ tiêu chuẩn.

Theo kế hoạch, Đảng ủy Chính phủ sẽ trình Bộ Chính trị đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp để báo cáo Trung ương trước ngày 1/4.

Vũ Tuân - Sơn Hà

Bài viết liên quan

Bài viết mới nhất