Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục bị khởi tố vì cáo buộc lừa dối khách hàng: Sự thật về kẹo Kera

Ngày 4/4, Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục, Chủ tịch HĐQT CER) và Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs, thành viên HĐQT) bị C01 khởi tố, bắt tạm giam về tội Lừa dối khách hàng, theo khoản 2 Điều 198 Bộ luật Hình sự. Hai người này là những gương mặt nổi tiếng trên mạng xã hội, thường xuyên livestream bán hàng với doanh thu lớn.

C01 xác định thực phẩm bổ sung Kera Super Greens Gummies (kẹo rau củ Kera) là "hàng giả", do CER công bố và đưa ra thị trường từ cuối năm 2024, đã bán hơn 135.300 hộp. Kẹo này do Công ty Cổ phần ASIA LIFE sản xuất theo đơn đặt hàng của CER.

Trong các buổi livestream bán hàng, Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs đã quảng cáo rằng kẹo Kera "có thể thay thế rau xanh trong bữa ăn". Tuy nhiên, kết quả kiểm định chất lượng thực tế lại kém xa so với những lời quảng cáo đó.

Theo thông báo từ cơ quan điều tra, "Hành vi của các bị can đã gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng".

Luật sư Nguyễn Đức Thịnh từ Công ty Luật TNHH Fanci phân tích: "Về bản chất, đây là hành vi gian dối trong mua bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ để thu lợi bất chính. Chủ thể thường là người bán hàng, cung cấp dịch vụ trực tiếp cho khách hàng".

Luật sư Thịnh cho rằng sai phạm của Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục là "quảng cáo sai sự thật về sản phẩm", khiến khách hàng lầm tưởng về giá trị thực tế. Bất kỳ hành vi nào gây bất lợi cho khách hàng so với thỏa thuận ban đầu đều bị coi là gian dối. Hậu quả trực tiếp là người phạm tội thu được tiền bất chính, trong khi khách hàng chịu thiệt hại tương ứng.

Phạm Quang Linh (tức Quang Linh Vlogs) khi bị bắt. Ảnh: Bộ Công an

Phạm Quang Linh (tức Quang Linh Vlogs) khi bị bắt. Ảnh: Bộ Công an

Khi nào hành vi lừa dối khách hàng bị xử lý hình sự?

Thời gian gần đây, nhiều vụ việc lừa dối khách hàng đã bị phanh phui. Điển hình là vụ án ông Lê Thanh Thản, chủ tịch tập đoàn Mường Thanh, bị điều tra về tội Lừa dối khách hàng. Ông Thản bị cáo buộc đã chỉ đạo cấp dưới quảng cáo, "đưa thông tin gian dối về tính pháp lý của dự án để bán các căn hộ xây dựng trái pháp luật" từ tháng 3/2011, khiến khách hàng tin tưởng ký hợp đồng mua bán và nộp tiền theo tiến độ thi công.

Thẩm phán Trương Việt Toàn, nguyên Phó Chánh tòa hình sự TAND TP Hà Nội, cho biết hành vi lừa dối khách hàng được pháp luật định nghĩa là "cân đo đong đếm, tính gian hàng hóa hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác" để trục lợi bất chính. Trong vụ án này, Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục có thể bị xác định là đã sử dụng thủ đoạn gian dối khác. Việc khởi tố không phụ thuộc vào sự nổi tiếng hay sức ảnh hưởng của họ.

"Điều này có nghĩa là hàm lượng chất xơ trong kẹo Kera mà nhóm này bán là không đúng như công bố. Quảng cáo đã bị thổi phồng, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng", ông Toàn phân tích.

Tuy nhiên, không phải mọi hành vi "thổi phồng" công dụng đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Luật sư Thịnh cho hay yếu tố cấu thành tội Lừa dối khách hàng là người vi phạm đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính và tiếp tục vi phạm hoặc thu lợi bất chính từ 5 triệu đồng trở lên. Nếu vi phạm lần đầu và số tiền thu lợi dưới 5 triệu đồng, người vi phạm sẽ chỉ bị phạt hành chính theo khoản 5 điều 1 Nghị Định 24/2025/NĐ-CP.

Mặt khác, tội này đòi hỏi lỗi cố ý, tức là người bán phải biết rõ mình đang gian lận, lừa dối người mua. Ví dụ, biết sản phẩm là giả hoặc kém chất lượng nhưng vẫn quảng cáo quá mức để thu lợi từ sự gian dối đó.

"Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs vừa là chủ công ty sản xuất kẹo Kera, vừa là người trực tiếp livestream bán hàng, nên đương nhiên họ phải biết rõ chất lượng sản phẩm hơn ai hết", luật sư Thịnh nêu quan điểm.

Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục trong một phiên livestream. Ảnh: Cắt từ video

Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục trong một phiên livestream bán hàng. Ảnh: Cắt từ video

Thực tế, cả Linh và Hằng đã từng bị phạt hành chính 70 triệu đồng vì hành vi quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn về chất lượng sản phẩm, và buộc phải cải chính thông tin.

Tại cơ quan điều tra, Linh và Hằng thừa nhận hành vi lừa dối khách hàng để họ tin tưởng và mua sản phẩm "không có những thành phần như công bố". Hằng Du Mục còn cho biết bản thân chịu trách nhiệm rất lớn trong việc quảng cáo sai sự thật, và nếu kiểm tra kỹ lưỡng hơn thì đã không vướng vào vòng lao lý.

"Việc Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục bị khởi tố theo khoản 2 Điều 198 (phạt tiền 100-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm) cho thấy cơ quan điều tra đánh giá hành vi này ở mức độ nghiêm trọng hơn bình thường, không chỉ đơn thuần là chuyện 'cân đo', hàm lượng", luật sư Thịnh nói.

Quang Linh Vlogs xin lỗi những người đã tin tưởng mình

Quang Linh Vlog nói lời xin lỗi.

Phân biệt quảng cáo quá sự thật và lừa dối khách hàng

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường gặp những tình huống người bán nói quá về chất lượng sản phẩm hoặc đưa thông tin sai lệch gây hiểu nhầm. Vậy tại sao chỉ có một số ít trường hợp bị xử lý hình sự, hoặc thậm chí là phạt hành chính?

Thẩm phán Trương Việt Toàn cho rằng quảng cáo sai sự thật và lừa dối khách hàng là hai phạm trù khác nhau, mặc dù có nhiều điểm tương đồng. Quảng cáo sai sự thật chỉ đơn thuần là thổi phồng công dụng của sản phẩm mà chưa có hành vi trục lợi, do đó không bị xử lý hình sự.

Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty Luật TAT Law firm, cho biết thêm "quảng cáo sai sự thật về thực phẩm chức năng" là hành vi vi phạm pháp luật, căn cứ theo điều 8 Luật Quảng cáo. Khác với trường hợp của Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs, người vi phạm thường không phải là nhà sản xuất hay phân phối, mà là cá nhân tham gia đăng tải, chia sẻ thông tin. Hiện nay, đó thường là những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOLs, Influencers) nhận hợp đồng để quảng cáo nội dung sai lệch.

Qua vụ án của Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục, luật sư Tú nhận thấy rằng mạng xã hội không còn là "vùng trũng pháp lý". Ngược lại, đây là một môi trường có độ rủi ro cao nếu thiếu kiểm soát. Không chỉ cá nhân mà cả doanh nghiệp và nhãn hàng đều phải cẩn trọng khi sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm hoặc xây dựng thương hiệu.

"Do đó, trách nhiệm pháp lý trong phát ngôn, đặc biệt là khi phát ngôn đó liên quan đến sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, đang được xem xét một cách nghiêm khắc hơn bao giờ hết. Việc 'chia sẻ hộ', 'đăng theo hợp đồng' hay 'không biết' về tính chất pháp lý của sản phẩm không còn là lý do đủ thuyết phục để tránh khỏi vòng lao lý", luật sư Tú nêu quan điểm.

Thế nào là sản xuất thực phẩm giả?

Cùng bị bắt trong vụ án này còn có bị can Nguyễn Phong (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần ASIA LIFE) với cáo buộc về tội Sản xuất hàng giả là thực phẩm, theo khoản 4 Điều 193 Bộ luật Hình sự.

Cảnh sát khi khám xét thu giữ 24.000 hộp kẹo Kera đang lưu giữ tại kho. Ảnh: Bộ Công an

Cảnh sát khám xét và thu giữ 24.000 hộp kẹo Kera đang lưu giữ tại kho. Ảnh: Bộ Công an

Theo luật sư Thịnh, hàng giả được hiểu là những hàng hóa không đúng với chất lượng hoặc nguồn gốc như đã công bố. Đây là hành vi cố ý sản xuất thực phẩm giả mạo nhằm trục lợi từ khách hàng.

Chủ thể thực hiện hành vi phạm tội này là cá nhân có năng lực trách nhiệm hình sự, từ đủ 16 tuổi trở lên. Ngoài cá nhân, pháp luật cũng quy định rằng pháp nhân thương mại (công ty, tổ chức kinh doanh) cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, pháp nhân thương mại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa dối khách hàng.

Hành vi Sản xuất hàng giả là thực phẩm có yếu tố cấu thành là lỗi cố ý - tức là biết rõ hàng hóa do mình sản xuất hoặc buôn bán là giả mạo, kém chất lượng, hoặc gắn nhãn hiệu giả, nhưng vẫn cố tình thực hiện để thu lợi. Ngoài ra, chỉ cần có hành vi sản xuất hoặc buôn bán hàng giả là đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm, không đòi hỏi hậu quả thực tế phải xảy ra.

Phạm Dự

Bài viết liên quan

Bài viết mới nhất