Giải pháp hạ nhiệt giá thịt lợn: Phó Thủ tướng chỉ đạo nóng
VTV.vn - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các Bộ, ngành khẩn trương vào cuộc để bình ổn thị trường thịt lợn, giải quyết bất cập giữa nguồn cung và giá cả.
Giá thịt lợn tiếp tục tăng sau Tết Nguyên đán
Giá lợn hơi trên toàn quốc đã tăng mạnh từ trước và sau Tết, trái ngược với quy luật giảm giá theo mùa sau Tết.
Mức giá cao nhất ghi nhận được là 83.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất kể từ năm 2023. Trong tháng 2, giá lợn hơi dao động từ 68.000 - 80.000 đồng/kg trên cả nước. Khu vực miền Bắc ghi nhận mức giá 68.000 - 74.000 đồng/kg, khu vực miền Trung và Tây Nguyên là 68.000 - 79.000 đồng/kg, trong khi khu vực miền Nam dao động cao hơn, từ 68.000 - 80.000 đồng/kg.
Giá bán lẻ thịt lợn tại các chợ cũng tăng theo, gây khó khăn cho tiểu thương và người tiêu dùng.
Bà Dương Mai, tiểu thương tại chợ Bà Chiểu, TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Sườn trước Tết có giá 170.000 đồng, giờ lên 230.000 đồng. Thịt ba rọi trước Tết 130.000 đồng, giờ 170.000 đồng. Ế ẩm lắm, không ai mua cả.".
Chị Nguyễn Thị Bảo Trân, tiểu thương chợ Nguyễn Tri Phương, TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: "Tôi thường bớt chút đỉnh cho khách. Ví dụ 153.000 đồng thì mình lấy chẵn 150.000 đồng thôi.".
Sang tháng 3, giá lợn hơi vẫn duy trì ở mức cao, thậm chí lên đến 83.000 đồng/kg ở một số địa phương. Dù cuối tháng 3 đã giảm nhẹ 1.000 - 4.000 đồng/kg, giá vẫn cao hơn so với cùng kỳ các năm trước.
Giá lợn hơi vẫn ở mức cao, kéo theo giá bán lẻ ngoài chợ tăng mạnh
Nghịch lý: Giá lợn tăng nhưng người chăn nuôi không có lãi
Tổng đàn lợn cả nước hiện đạt gần 30 triệu con. Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẳng định nguồn cung thịt lợn ổn định, nhưng giá lợn hơi và bán lẻ vẫn neo cao. Đáng chú ý, người chăn nuôi lại không có lãi và gặp khó khăn trong việc tái đàn.
Nguyên nhân chủ yếu do chi phí đầu vào tăng, đặc biệt là giá cám và con giống, trong khi lợi nhuận bị chia sẻ qua nhiều khâu trung gian.
Giải pháp hạ nhiệt giá thịt lợn
Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu các Bộ, ngành liên quan khẩn trương vào cuộc để bình ổn thị trường. Bộ Nông nghiệp và Môi trường được giao chủ trì đánh giá lại năng lực tái đàn, kiểm soát dịch bệnh và chi phí đầu vào. Bộ Công Thương tập trung kiểm soát khâu lưu thông, phân phối, ngăn chặn tình trạng gom hàng, đẩy giá.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, cho rằng: "Cần giải quyết ngay bài toán cân đối cung cầu. Nếu cung không đủ cầu, cần tính đến việc điều hành nhập khẩu thịt lợn ở mức độ nhất định. Đồng thời, đẩy nhanh tái đàn để tăng nguồn cung cho thị trường. Bộ cần khảo sát kỹ lưỡng để có giải pháp phù hợp.".
Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, khẳng định: "Chúng tôi cam kết đảm bảo nguồn cung. Cần xây dựng liên kết chuỗi sản xuất từ người sản xuất đến người tiêu dùng. Biến động giá lợn cho thấy người sản xuất không được hưởng lợi nhiều, chủ yếu là các khâu trung gian. Khi giá lợn xuống thấp, người chăn nuôi chịu thiệt hại lớn nhất. Các Bộ, ngành cần phối hợp để điều chỉnh và đảm bảo công bằng cho các bên tham gia chuỗi.".
Các địa phương cũng được yêu cầu đảm bảo nguồn cung tại chỗ, giảm phụ thuộc vào thị trường lớn. Mục tiêu của Chính phủ là đưa giá thịt lợn về mức hợp lý trong tháng 4, đảm bảo quyền lợi cho cả người tiêu dùng và người chăn nuôi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!