Đại biểu Quốc hội: EVN tăng giá điện 4,8% từ 10/5 là hợp lý

Đại biểu Nguyễn Quang Huân ủng hộ việc điều chỉnh giá điện, cho rằng giá điện Việt Nam hiện còn thấp so với các nước phát triển và việc tăng giá là cần thiết để EVN tái đầu tư, nâng cấp hạ tầng.

Từ ngày 10/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân 4,8%, từ 2.103,11 đồng lên 2.204,07 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).

Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) nhận định việc điều chỉnh giá điện là cần thiết để đảm bảo cân đối đầu vào và đầu ra cho EVN, tạo điều kiện cho tập đoàn hoạt động hiệu quả hơn.

Đại biểu Quốc hội nói về việc EVN tăng giá điện 4,8% từ 10/5 - 1

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) trao đổi với báo chí (Ảnh: Anh Quỳnh).

Đại biểu Huân nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành điện đối với nền kinh tế, cho rằng việc EVN có đủ nguồn lực để tái đầu tư, mở rộng và nâng cấp công nghệ là yếu tố then chốt để ngành điện Việt Nam không bị tụt hậu.

"Tôi ủng hộ lộ trình tăng giá điện vì giá điện của nước ta hiện nay còn thấp, đặc biệt so với các nước phát triển. Trong bối cảnh kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng cao, việc điều chỉnh giá điện là phù hợp", ông Huân chia sẻ.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng việc tăng giá điện cần được thực hiện theo lộ trình minh bạch và thông báo trước cho người dân và doanh nghiệp để họ có sự chuẩn bị.

Ngoài ra, đại biểu Huân cũng đề xuất cần có các chính sách hỗ trợ phù hợp cho các hộ nghèo, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình điều chỉnh giá điện.

Về tác động đối với sản xuất công nghiệp, ông Huân cho rằng giá điện Việt Nam hiện vẫn cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Ông khuyến nghị các doanh nghiệp nên chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển các ngành kinh tế không thâm dụng điện năng.

"Nếu chúng ta không điều chỉnh giá điện, có thể một bộ phận người dân được hưởng lợi, nhưng về lâu dài sẽ gây thiệt hại cho cả nền kinh tế. Việc duy trì giá điện quá thấp có thể khiến các doanh nghiệp FDI không đầu tư vào công nghệ mới, sử dụng công nghệ lạc hậu", ông Huân cảnh báo.

Ông Huân cho rằng các nhà hoạch định chính sách cần có nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa ra quyết định hợp lý, đảm bảo cân đối lợi ích giữa doanh nghiệp, người dân và Nhà nước, tạo điều kiện cho EVN phát triển bền vững.

Bài viết liên quan

Bài viết mới nhất