Đàm phán Mỹ - Trung: Thỏa thuận thương mại khó đạt được đến mức nào?
Ngày 10/5, giới chức Mỹ và Trung Quốc dự kiến gặp nhau tại Geneva (Thụy Sĩ) để thảo luận về vấn đề thương mại. Nhiều người kỳ vọng sự hưng phấn từ thỏa thuận thương mại với Anh công bố ngày 9/5 sẽ tiếp tục lan tỏa. Tuy nhiên, khả năng này vẫn còn bỏ ngỏ.
"Tôi chỉ đặt kỳ vọng ở mức thấp. Mức thuế hiện tại đang rất cao và căng thẳng cũng vậy. Việc áp thuế thì dễ, nhưng gỡ bỏ lại khó khăn hơn nhiều," Wendy Cutler - Phó Chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á (ASPI) nhận định trên CNN.
Tổng thống Donald Trump luôn phản đối thâm hụt thương mại, cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy nước Mỹ đang bị "lợi dụng" và đối xử bất công.
Đến nay, Mỹ đã áp thuế nhập khẩu bổ sung 145% lên toàn bộ hàng hóa từ Trung Quốc, và Bắc Kinh cũng đáp trả bằng thuế 125% với hàng Mỹ. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự báo sẽ chịu tổn thất nghiêm trọng vì cuộc chiến thương mại này. Những dấu hiệu tổn thương đã bắt đầu xuất hiện trong sản xuất, tiêu dùng và tăng trưởng GDP.
Do đó, nhà đầu tư, doanh nghiệp và người tiêu dùng của cả hai nước đều mong muốn tình hình được cải thiện. Họ kỳ vọng cuộc gặp hôm nay sẽ mang lại những chuyển biến tích cực. Đây là cuộc đối thoại chính thức đầu tiên giữa quan chức cấp cao Mỹ và Trung Quốc trong nhiệm kỳ hai của ông Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2019. Ảnh: Reuters
Bà Cutler cho rằng trong cuộc gặp, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer sẽ đề cập đến thỏa thuận với Anh, nhằm chứng minh rằng "chính sách của Mỹ đang phát huy hiệu quả" và các quốc gia khác "cũng lo ngại về Trung Quốc".
Tuy nhiên, thỏa thuận với Anh có quy mô khá nhỏ và tương đối dễ dàng đạt được.
Anh không còn nhiều dư địa để đàm phán giảm thuế, bởi nước này vốn chỉ bị áp mức thuế 10% - mức mà chính quyền Trump cho là rất thấp và chỉ áp dụng với các nước có quan hệ thương mại cân bằng với Mỹ. Năm ngoái, Mỹ thậm chí còn thặng dư thương mại 12 tỷ USD với Anh.
Do đó, thuế 10% vẫn được giữ nguyên trong thỏa thuận. Một số dòng xe hơi Anh xuất khẩu sang Mỹ được giảm thuế, tương tự với thép. Chính quyền Trump dường như để ngỏ khả năng áp dụng thêm nhiều miễn trừ khác.
"Đó là mối quan hệ thương mại gần như cân bằng, trong khi Trung Quốc lại là một câu chuyện hoàn toàn khác," bà Cutler nhận định trên CNN.
Theo số liệu từ Hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại Mỹ - Trung Quốc đạt 4.898 tỷ nhân dân tệ (668 tỷ USD) năm 2024. Tuy nhiên, Mỹ thâm hụt thương mại rất lớn với Trung Quốc, lên tới 361 tỷ USD.
Hầu như không ai kỳ vọng vòng đàm phán đầu tiên này có thể đưa mức thuế Mỹ - Trung trở lại như trước nhiệm kỳ hai của Trump. Ông Bessent cũng thừa nhận điều này trong cuộc phỏng vấn với Fox News: "Tôi nghĩ các cuộc thảo luận cuối tuần này sẽ tập trung vào việc hạ nhiệt căng thẳng, chứ không hướng đến một thỏa thuận thương mại lớn".
Gần đây, cả hai bên đều tìm cách giảm thiểu tác động kinh tế từ thuế nhập khẩu. Mỹ đã tạm miễn áp thuế đối ứng với thiết bị điện tử, máy tính và nới lỏng thuế với ô tô. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn đang miễn thuế nhập khẩu với một số loại dược phẩm, chip và động cơ máy bay từ Mỹ. Reuters đưa tin nước này còn lập một "danh sách trắng" các mặt hàng Mỹ được miễn thuế bổ sung.
Ngày 8/5, ông Trump tuyên bố không cân nhắc hạ thuế để thuyết phục Trung Quốc tham gia đàm phán. Tuy nhiên, ngày 9/5, ông lại viết trên mạng xã hội Truth Social rằng "thuế 80% với hàng hóa Trung Quốc có vẻ phù hợp", được coi là một tín hiệu tích cực.
Trong khi đó, giới chức Trung Quốc tỏ ra thận trọng hơn và liên tục kêu gọi chính quyền Mỹ "sửa chữa sai lầm" bằng cách hủy bỏ các mức thuế đơn phương. Ngày 8/5, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định nước này "sẽ không hy sinh nguyên tắc để đạt được thỏa thuận với Mỹ".
Susan Shirk - Giáo sư tại Đại học UC San Diego nhận định giới chức Trung Quốc đang hành động kỷ luật hơn so với các cuộc đàm phán trước đây với Mỹ: "Họ đang ngờ vực về ông Trump và sẽ rất thận trọng". Bà Shirk cho rằng điều này đang tạo sức ép lên Tổng thống Mỹ. Bà dự đoán Trung Quốc sẽ thể hiện "thiện chí nhằm giảm làn sóng xuất khẩu, không chỉ sang Mỹ mà còn sang các nước khác".
Theo bà Cutler, kết quả tốt nhất từ cuộc gặp hôm nay là hai bên đạt được "một lộ trình cho các cuộc tiếp xúc tiếp theo". Điều quan trọng là việc này có thể tạo đà cho một cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Tập. Ngày 9/5, Tổng thống Mỹ cũng nói rằng ông có thể cân nhắc gọi điện cho ông Tập, tùy thuộc vào kết quả cuối tuần này.
Ngược lại, kịch bản xấu cũng có thể xảy ra, khiến cả hai chính phủ đưa ra những động thái cực đoan hơn. Bà Cutler và bà Shirk đều nhắc lại cuộc gặp năm 2021 giữa giới chức ngoại giao Mỹ và Trung Quốc tại Alaska, nơi bầu không khí nhanh chóng trở nên căng thẳng khi quan chức hai bên công khai chỉ trích nhau trước báo giới.
"Điều tồi tệ nhất là một cuộc đối đầu lớn trước truyền thông," bà Shirk nói. "Đó chính xác là kiểu cuộc gặp mà ai cũng muốn tránh," bà Cutler, người từng giữ chức Phó Đại diện Thương mại Mỹ dưới thời Obama, cho biết.
Một kịch bản tồi tệ khác là Mỹ và Trung Quốc "đều giữ lập trường cứng rắn và không tìm được tiếng nói chung để tiến xa hơn". Khi đó, nguy cơ leo thang cuộc chiến thuế nhập khẩu sẽ càng gia tăng.
Trên CNBC, Tianchen Xu - nhà kinh tế học cấp cao tại hãng nghiên cứu EIU cho rằng nỗ lực đạt được một thỏa thuận toàn diện "sẽ mất rất nhiều thời gian và có thể không mang lại kết quả như ý". Nguyên nhân là cả hai bên đều tỏ ra không sẵn sàng nhượng bộ các vấn đề liên quan đến ưu tiên chiến lược.
"Chúng tôi cho rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ khó đạt được điều gì đó tương tự như Thỏa thuận thương mại giai đoạn một," ông Xu nói.
Tháng 1/2020, hai nước ký thỏa thuận sau hơn một năm đàm phán căng thẳng. Chi tiết thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa hai bên được Nhà Trắng công bố dài 86 trang, gồm 8 chương.
Trong đó có quy định về sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc, cam kết Trung Quốc mua ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa, dịch vụ của Mỹ trong hai năm sau đó, cũng như không thao túng tiền tệ. Đổi lại, Mỹ giảm thuế với một số hàng hóa của Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh sau đó không đạt được mục tiêu mua sắm do Covid-19 bùng phát.
Hà Thu (theo CNN, Reuters)