Bộ Nội vụ đề xuất: Cán bộ, công chức cấp xã sẽ thuộc biên chế của tỉnh

Thống nhất quản lý cán bộ, công chức

Bộ Nội vụ đã hoàn thiện dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) và dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5. Dự thảo tập trung vào các quy định liên quan đến cán bộ, công chức tại chính quyền địa phương 2 cấp (tỉnh và cơ sở).

Điểm đáng chú ý là dự thảo luật thống nhất quản lý đội ngũ cán bộ, công chức từ trung ương đến địa phương, không phân biệt cấp xã với cấp trung ương, cấp tỉnh, nhằm đảm bảo chủ trương của Đảng về liên thông trong công tác cán bộ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: QH.

Để phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, dự thảo không tiếp tục quy định thẩm quyền của UBND và chủ tịch UBND cấp huyện.

Dự luật cũng đưa ra điều khoản chuyển tiếp để thống nhất quản lý cán bộ, công chức cấp xã hiện hành, đảm bảo tính liên tục trong công tác cán bộ và không ảnh hưởng đến hoạt động của người dân, doanh nghiệp.

Theo phương án của Bộ Nội vụ, khi luật sửa đổi có hiệu lực, cán bộ, công chức cấp xã sẽ thuộc biên chế của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Cán bộ cơ sở sẽ được xếp lương theo ngạch, bậc tương ứng với vị trí việc làm nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện.

Việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý sẽ theo quy định của Chính phủ. Trường hợp không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, cấp có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định tinh giản theo quy định.

Cán bộ công chức 'có vào, có ra'

Lần sửa đổi này cũng đưa ra các quy định về cơ chế quản lý, sử dụng cán bộ, công chức để sàng lọc, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ.

Nhà nước sẽ quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, lấy vị trí việc làm làm trung tâm. Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ trong tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, đánh giá cán bộ, công chức theo hướng thực chất.

Dự thảo cũng bổ sung quy định phân định vị trí việc làm phải tuyển dụng và vị trí có thể ký hợp đồng, tạo sự linh hoạt trong sử dụng nhân lực.

Chính sách thu hút người tài, cơ chế sàng lọc theo nguyên tắc cạnh tranh, có vào, có ra, có lên, có xuống cũng được thể hiện rõ, để giải quyết tình trạng né tránh, đùn đẩy, chây ì. Qua đó, góp phần xây dựng đội ngũ tinh thông, chất lượng, đủ đức, đủ tài.

Bài viết liên quan

Bài viết mới nhất