Bác sĩ quảng cáo sữa giả: Mức phạt có thể lên đến 30 triệu đồng

Theo đại diện Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, bác sĩ quảng cáo sữa giả hoặc thực phẩm chức năng sai quy định có thể bị phạt tới 30 triệu đồng. Cục khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các video quảng cáo thực phẩm có sự tham gia của nhân viên y tế, bởi họ không được phép quảng cáo các sản phẩm này.

Hiện tượng nhiều bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng (kể cả đã nghỉ hưu) mặc áo blouse quảng bá các loại sữa, thực phẩm dinh dưỡng không rõ nguồn gốc đang diễn ra khá phổ biến. Mục đích là tạo lòng tin cho người tiêu dùng, giúp tiêu thụ các sản phẩm này. Điển hình, trong vụ triệt phá đường dây sản xuất và tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa bột giả, một số bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng đã bị phát hiện tham gia vào các video quảng cáo sữa giả.

Trong một video quảng cáo sữa Talacmum (một trong số các loại sữa giả), bác sĩ Lê Thị Hải (nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia) đã nói về nguyên liệu và quy trình sản xuất của sản phẩm. Bà còn phân tích các thành phần dinh dưỡng và khẳng định sữa có "bổ sung chiết xuất tổ yến cao cấp nhập khẩu từ Nhật Bản hay đông trùng hạ thảo". Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm cho thấy hoàn toàn không có những chất này. Hiện tại, bà Hải chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về sự xuất hiện của mình trong video quảng cáo này.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (nguyên Phó Viện trưởng Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết bà "bị lợi dụng" khi hình ảnh của bà xuất hiện trong video quảng cáo sữa của Hacofood Group (công ty vừa bị phát hiện sản xuất sữa giả).

Bác sĩ Lê Thị Hải trong video quảng cáo sữa Talacmum

Bác sĩ Lê Thị Hải xuất hiện trong đoạn giới thiệu sữa Talacmum. Ảnh cắt từ clip

Theo quy định của pháp luật, trước khi quảng cáo thực phẩm, các tổ chức, cá nhân phải đăng ký và được cấp phép nội dung. Thông tin quảng cáo phải phù hợp với chức năng và tác dụng đã công bố của sản phẩm. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh, tên tuổi, thư tín, bài viết hoặc trang phục của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế hoặc cơ sở y tế trong quảng cáo thực phẩm.

Đại diện Cục An toàn thực phẩm khẳng định, việc bác sĩ, nhân viên y tế xuất hiện trong quảng cáo thực phẩm là hành vi vi phạm và sẽ bị xử phạt từ 20 đến 30 triệu đồng, tùy thuộc vào mức độ vi phạm và sản phẩm liên quan.

Bác sĩ nghỉ hưu vẫn có quyền hành nghề dưới các hình thức như làm việc tại cơ sở y tế công lập, tư nhân hoặc mở phòng khám riêng. Pháp luật không giới hạn độ tuổi hành nghề, miễn là bác sĩ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chuyên môn, sức khỏe và có giấy phép hành nghề hợp lệ. Do đó, nếu bác sĩ đã nghỉ hưu nhưng vẫn còn hành nghề hợp pháp, họ vẫn thuộc đối tượng bị điều chỉnh bởi quy định này.

Bộ Y tế đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng bác sĩ, cán bộ y tế và người nổi tiếng lợi dụng mạng xã hội để thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng, biến chúng thành "thần dược", gây hiểu nhầm nghiêm trọng cho người tiêu dùng. Ngoài ra, còn có hiện tượng giả danh bác sĩ để thực hiện các chiêu trò quảng cáo lừa đảo, làm giảm niềm tin và đe dọa đến sức khỏe cộng đồng.

TS.BS Trương Hồng Sơn (Viện trưởng Y học Ứng dụng Việt Nam) cho biết, việc sử dụng sữa kém chất lượng, sữa giả đặc biệt nguy hiểm đối với những người có sức đề kháng yếu như người già, trẻ em, phụ nữ mang thai và người mắc bệnh mãn tính. Sữa giả không cung cấp đủ năng lượng, vitamin và khoáng chất như công bố. Thậm chí, các nguyên liệu không rõ nguồn gốc và phụ gia độc hại có thể gây dị ứng, ngộ độc cấp tính, rối loạn tiêu hóa, rối loạn nội tiết và ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh ở trẻ nhỏ.

Lê Nga

Bài viết liên quan

Bài viết mới nhất