Quảng cáo hàng giả: Khi nào phải chịu trách nhiệm hình sự theo pháp luật?

(Dân trí) - Luật sư phân tích điều kiện để xử lý hình sự tội Quảng cáo gian dối, liên quan đến các vụ việc quảng cáo sai sự thật về sản phẩm, hàng hóa.

Vụ việc cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất sữa giả với hàng trăm nhãn hiệu, nhắm vào đối tượng dễ tổn thương như người tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn quảng cáo sai sự thật.

Nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng như Doãn Quốc Đam, MC Hoàng Linh bị nhắc tên liên quan đến các quảng cáo sữa giả và sản phẩm không rõ nguồn gốc. Vậy, theo quy định pháp luật, những người này có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý như thế nào?

Quảng cáo hàng giả, khi nào phải chịu trách nhiệm hình sự? - 1

Doãn Quốc Đam từng quảng cáo cho một thương hiệu sữa bị kết luận là sữa giả (Ảnh: Hải Nam).

Luật sư Trần Hoàng Linh (Công ty Luật Bizlawyer & Partners, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 nghiêm cấm quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ sai sự thật, gây nhầm lẫn về chất lượng, giá cả, công dụng so với đăng ký hoặc công bố.

Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023 cũng cấm các tổ chức, cá nhân kinh doanh lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng bằng thông tin sai lệch, không đầy đủ, không chính xác về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Như vậy, quảng cáo quá lố, phóng đại, sai sự thật về công dụng sản phẩm là vi phạm pháp luật về quảng cáo, bảo vệ người tiêu dùng và có thể bị phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự.

Khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền 60-80 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo sai lệch về chất lượng, công dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Tổ chức vi phạm có thể bị phạt gấp đôi, tức 120-160 triệu đồng (khoản 4, Điều 5 Nghị định này).

Nếu tái phạm sau khi đã bị xử phạt hành chính, tổ chức, cá nhân có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Quảng cáo gian dối theo Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015. Mức phạt là phạt tiền 10-100 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm, kèm theo phạt bổ sung 5-50 triệu đồng và cấm hành nghề 1-5 năm.

Quảng cáo hàng giả, khi nào phải chịu trách nhiệm hình sự? - 2

Một sản phẩm sữa được quảng cáo rầm rộ (Ảnh chụp màn hình).

Các yếu tố cấu thành tội Quảng cáo gian dối:

Chủ thể: Chủ yếu là chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhưng không loại trừ cá nhân hỗ trợ quảng cáo gian dối theo yêu cầu.

Khách thể: Chế độ quản lý nhà nước về quảng cáo, xâm phạm lợi ích người tiêu dùng.

Chủ quan: Hành vi cố ý, người thực hiện nhận thức rõ hành vi gian dối, trái phép, gây hậu quả nghiêm trọng, mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả xảy ra.

Khách quan: Hành vi thể hiện qua nhiều phương thức như vẽ tranh, chụp ảnh, quay phim, đăng báo, đưa tin sai sự thật trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Để xử lý hình sự tội danh này, cần đáp ứng 2 yếu tố: (i) Người vi phạm đã bị xử lý hành chính hoặc bị kết án nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; (ii) Hành vi có đủ yếu tố cấu thành tội Quảng cáo gian dối theo Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015.

Đối với quảng cáo theo đơn đặt hàng, mấu chốt là người thực hiện quảng cáo có biết rõ nội dung gian dối so với bản chất sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nhưng vẫn cố tình thực hiện hay không. Cơ quan chức năng sẽ xem xét trách nhiệm của những người này.

Luật sư bình luận: "Việc xử lý hình sự hành vi Quảng cáo gian dối không đơn giản, bởi người vi phạm phải tái phạm sau khi đã bị xử phạt hành chính hoặc bị kết án, đồng thời đáp ứng điều kiện về ý chí chủ quan. Trong khi đó, người quảng cáo (diễn viên, người nổi tiếng, Tiktoker...) thường không có chuyên môn để phân định chất lượng sản phẩm mà chỉ làm theo kịch bản, dẫn tới khó khăn trong xử lý.

Mức phạt hiện tại cũng chưa đủ sức răn đe so với hậu quả lớn mà hành vi này gây ra. Do đó, cần xem xét, điều chỉnh quy định để ngăn chặn tình trạng quảng cáo gian dối tràn lan, gây nguy hiểm cho người tiêu dùng."

Bài viết liên quan

Bài viết mới nhất