Bác sĩ lên tiếng về quảng cáo sữa giả: 'Tôi đã bị lợi dụng'
Bác sĩ quảng cáo sữa giả nói 'bị lợi dụng'
"Tôi bị lợi dụng, rất bất ngờ khi nghe tin sữa giả", PGS.TS Nguyễn Thị Lâm chia sẻ với VnExpress ngày 15/4, sau vụ việc Bộ Công an triệt phá đường dây của Hacofood sản xuất và tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa bột giả, nhắm vào người bệnh tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non và phụ nữ mang thai.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm từng xuất hiện trong video dài 7 phút trên kênh YouTube "Tập đoàn Dược Quốc tế", giới thiệu về các sản phẩm của Công ty Hacofood Group như sữa dinh dưỡng Talacmum, Darifa Gold, Kasumi, The Empire, Kawai, Gumi Colos 24h Baby... Trong video, bà Lâm "đánh giá rất cao" Hacofood, khẳng định đây là nhà máy đạt tiêu chuẩn FDA và các sản phẩm của Hacofood đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt.
Giải thích về sự xuất hiện trong video, bà Lâm cho biết năm 2023, bà được một đơn vị truyền thông mời tham gia giới thiệu về Hacofood. Đơn vị này đã cung cấp các giấy tờ, bao gồm chứng nhận FDA, khiến bà tin tưởng. Bà cũng đã đến thăm nhà máy và nhận thấy dây chuyền khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cùng các giấy tờ đầy đủ.
"Tôi không liên quan đến quá trình sản xuất", PGS.TS Lâm nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm rằng các giấy tờ về thực hành sản xuất đều đầy đủ và được cơ quan thẩm định kiểm tra, nhưng Hacofood đã làm sai lệch quy trình trong quá trình sản xuất.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm xuất hiện trong video giới thiệu về Hacofood. Ảnh: Xử lý từ video
Theo điều tra ban đầu, từ tháng 8/2021, các đối tượng đã thành lập Công ty CP dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất và kinh doanh sữa bột giả. Cơ quan công an xác định đây là đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả quy mô lớn tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Các công ty này và nhãn hàng liên quan đã đăng tải nhiều video quảng cáo trên website, fanpage và mạng xã hội, có sự xuất hiện của một số bác sĩ.
Trong một video quảng cáo sữa Talacmum dài hơn 13 phút, bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết nguyên liệu và sản phẩm được nhập khẩu từ Hà Lan và các quốc gia khác, và quy trình sản xuất được thực hiện trên dây chuyền hiện đại, khép kín.
Bà Hải còn nói rằng sữa Talacmum bổ sung chiết xuất tổ yến cao cấp nhập khẩu từ Nhật Bản và đông trùng hạ thảo. Tuy nhiên, theo điều tra ban đầu, sản phẩm này không chứa các thành phần như tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột quả óc chó như công bố, mà chỉ chứa các chất phụ gia thay thế.
Hiện bà Hải chưa đưa ra bình luận về sự việc.
Một người mặc áo blouse xưng là TS.BS Đinh Ngọc Hoa, được giới thiệu là chuyên khoa Nhi tại Bệnh viện Xanh Pôn, cũng xuất hiện trong video quảng cáo. Tuy nhiên, lãnh đạo Bệnh viện Xanh Pôn khẳng định không có ai tên Đinh Ngọc Hoa trong danh sách nhân sự của bệnh viện.
Bộ Y tế đã nhiều lần cảnh báo về việc các bác sĩ, cán bộ y tế và người nổi tiếng lợi dụng mạng xã hội để thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng, gây hiểu lầm và nguy cơ cho sức khỏe người dân. Việc sử dụng hình ảnh bác sĩ trong quảng cáo là vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý theo Điều 197 Bộ luật Hình sự.
Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở y tế nhắc nhở cán bộ y tế không tham gia vào các hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng để đảm bảo uy tín của ngành.
Lê Nga