Chốt phương án xây cầu Cát Lái nối Đồng Nai và TP.HCM: Bước tiến mới cho hạ tầng giao thông

Phương án xây cầu Cát Lái nối Đồng Nai với TP HCM

Ngày 17/4, Sở Xây dựng Đồng Nai thông báo đã thống nhất với TP HCM về vị trí xây dựng cầu Cát Lái, kết nối huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) với TP Thủ Đức (TP HCM). Điểm đầu cầu dự kiến tại đường Nguyễn Thị Định, cách nút giao Mỹ Thủy khoảng 400 m; điểm cuối sẽ kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Vị trí dự kiến xây cầu Cát Lái. Ảnh: Quỳnh Trần

Phà Cát Lái hiện tại đang là tuyến giao thông chính kết nối hai địa phương. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo kế hoạch, tổng chiều dài của cầu và đường dẫn là 11,37 km, trong đó cầu dài hơn 3 km. Thiết kế cầu cho phép vận tốc 80 km/h, rộng 33,5 m với 8 làn xe và tĩnh không thông thuyền trên 55 m. Dự án dự kiến đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với tổng kinh phí hơn 9.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước góp khoảng 4.427 tỷ đồng (49%), phần còn lại gần 4.607 tỷ đồng (51%) do nhà đầu tư huy động.

Chi phí cho giải phóng mặt bằng và xây dựng đoạn đường nối từ trạm thu phí đến cuối tuyến ước tính hơn 10.357 tỷ đồng, do nhà nước đảm nhiệm. Cụ thể, chi phí giải phóng mặt bằng phía TP HCM khoảng 3.611 tỷ đồng, phía Đồng Nai hơn 2.967 tỷ đồng, và xây dựng tuyến đường nối là 3.779 tỷ đồng.

Vị trí dự kiến xây cầu Cát Lái. Đồ họa: Hoàng Khánh

Vị trí dự kiến xây cầu Cát Lái. Đồ họa: Hoàng Khánh

Dự án cầu Cát Lái được TP HCM đề xuất từ năm 2016 và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Tuy nhiên, do vướng mắc trong việc thống nhất vị trí xây dựng, nguồn vốn đầu tư và ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự án chưa thể triển khai. UBND tỉnh Đồng Nai được giao là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án theo hình thức PPP, hợp đồng BOT từ năm 2019.

Trước đó, phương án xây dựng hầm vượt sông dài 2,9 km với tổng vốn khoảng 24.553 tỷ đồng cũng đã được đưa ra. Tuy nhiên, phương án xây cầu đã được ưu tiên lựa chọn do tính khả thi về tài chính, chi phí bảo trì và vận hành của hầm quá lớn, cũng như những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.

Phước Tuấn

Bài viết liên quan

Bài viết mới nhất