Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali - Ảnh: Chính phủ Ethiopia
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu (P4G), Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện này, khẳng định đây là dấu mốc quan trọng trong công tác đối ngoại và là bước đi chiến lược hướng tới phát triển bền vững.
Đây là hội nghị đa phương cấp cao đầu tiên về tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững do Việt Nam chủ trì.
Hội nghị đã thu hút sự tham gia của khoảng 600 đại biểu từ hơn 40 quốc gia và tổ chức quốc tế, bao gồm các nước thành viên, đối tác P4G, các quỹ đầu tư, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, học giả và đại diện ngoại giao.
Việt Nam sẽ đón tiếp nhiều lãnh đạo cấp cao, bao gồm phó tổng thư ký Liên hợp quốc, ba thủ tướng, cùng nhiều phó thủ tướng và bộ trưởng ngoại giao các nước.
Cụ thể, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali và Phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam và tham dự Hội nghị P4G từ ngày 14 đến 17-4 theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân.
Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tae Yul cũng dự kiến thăm chính thức và tham dự Hội nghị P4G tại Việt Nam từ ngày 15 đến 17-4.
Chương trình nghị sự của Hội nghị P4G tập trung vào các cơ chế thúc đẩy hợp tác công - tư, thu hút đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ xanh, chuyển đổi năng lượng bền vững và phát triển nguồn nhân lực cho nền kinh tế xanh.
Đặc biệt, hội nghị dự kiến thông qua Tuyên bố Hà Nội, một văn kiện quan trọng thể hiện cam kết mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, theo Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn.
Ethiopia được đánh giá là điểm sáng kinh tế tại châu Phi, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng (trung bình 9% giai đoạn 2011-2019 và trên 6% giai đoạn 2020-2024).
Năm 2024, tăng trưởng kinh tế đạt 8,2% và dự kiến đạt 8,4% vào năm 2025. Ethiopia hiện là nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Phi và đứng thứ 5 trên toàn châu lục.
Chuyến thăm của Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali đánh dấu lần đầu tiên một nhà lãnh đạo cấp cao nhất của nước này đến Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 2-1976. Điều này thể hiện sự coi trọng của Ethiopia đối với Việt Nam và vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tổng kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt trung bình khoảng 10-15 triệu USD/năm trong 3 năm gần đây. Năm 2024, con số này là 13,1 triệu USD (trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 7,11 triệu USD và nhập khẩu đạt 6,06 triệu USD).
Việt Nam chủ yếu xuất khẩu máy móc thiết bị phụ tùng, xơ, sợi dệt, sản phẩm hóa chất và nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, da giày, cà phê các loại từ Ethiopia.
Hai nước Việt Nam và Ethiopia thường xuyên ủng hộ lẫn nhau tại các cơ chế và diễn đàn đa phương.