Vì sao thị trường chứng khoán Việt Nam chưa dùng cơ chế 'ngắt mạch' khi giảm sốc?

Thị trường chứng khoán giảm điểm - Ảnh minh họa

Ngắt mạch không đơn giản chỉ là 'rút phích cắm', cần có cơ chế và giải pháp kỹ thuật rõ ràng - Ảnh: AI vẽ

Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sâu

Phiên giao dịch sáng nay (8-4), chỉ số đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam giảm gần 68 điểm.

Bảng điện chìm trong sắc xanh da trời với 268 mã giảm sàn và hơn 500 cổ phiếu giảm giá, chỉ 60 mã tăng.

Lực cầu bắt đáy yếu đi, cho thấy sự hao hụt niềm tin vào thị trường so với hai phiên trước.

Thanh khoản toàn thị trường đạt khoảng 18.000 tỉ đồng, thấp hơn so với mức 25.000 tỉ đồng của tuần trước.

Diễn biến này không gây bất ngờ, khi nhiều thị trường khu vực đã giảm mạnh vào ngày hôm qua khi VN-Index nghỉ lễ.

Nhiều sàn giao dịch lớn đã kích hoạt cơ chế ngắt mạch do làn sóng bán tháo chứng khoán sau động thái áp thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tại Đài Loan, thị trường đã ngắt mạch khi giảm 9,7%, gần ngưỡng 10%.

Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo cũng ngắt mạch 10 phút sau khi hợp đồng tương lai chỉ số Nikkei 225 giảm vượt 8%. Giao dịch tạm dừng lúc 8h45 (giờ Tokyo) và nối lại sau đó.

Cơ chế ngắt mạch tạm dừng giao dịch khi thị trường biến động quá lớn, được áp dụng rộng rãi nhưng hiếm khi sử dụng.

Vì sao Việt Nam chưa áp dụng? 

Nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi về khả năng áp dụng cơ chế này ở Việt Nam.

Lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết đã từng đề cập đến vấn đề này. "Tuy nhiên, biên độ giao dịch của chúng ta không cao, chỉ ở mức 7%. Do đó, chưa cần cơ chế ngắt mạch tự động như nhiều thị trường khác", vị này cho hay.

Trong tương lai, hệ thống công nghệ thông tin mới (KRX) sẽ có cơ chế ngắt mạch tự động, nhưng có thể chỉ được sử dụng khi biên độ giảm được nới rộng hơn.

Giám đốc phân tích một công ty chứng khoán cho biết Luật Chứng khoán Việt Nam quy định Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyền tạm ngừng, đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con trong một số trường hợp.

  • Chính phủ vào cuộc rất nhanh nhưng nhà đầu tư phản ứng 'thái quá' trên thị trường chứng khoán

    Chính phủ vào cuộc rất nhanh nhưng nhà đầu tư phản ứng 'thái quá' trên thị trường chứng khoánĐỌC NGAY

Các trường hợp này bao gồm chiến tranh, thảm họa tự nhiên, biến động lớn của nền kinh tế, sự cố hệ thống giao dịch hoặc các sự kiện bất khả kháng khác ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch bình thường.

Cơ chế này cũng có thể được áp dụng khi thị trường có biến động bất thường hoặc để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư và đảm bảo ổn định, an toàn, tính toàn vẹn của thị trường.

"Các thị trường khác, cả phát triển lẫn mới nổi, đều có cơ chế ngắt mạch. Việc áp dụng cơ chế này ở Việt Nam là theo thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, theo tôi được biết, hệ thống hiện tại chưa tích hợp cơ chế này. Khi áp dụng KRX, chúng ta sẽ có cơ sở kỹ thuật để thực hiện", vị giám đốc công ty chứng khoán nói.

Theo vị này, ngắt mạch không đơn giản chỉ là "rút phích cắm", mà cần có cơ chế rõ ràng, hệ thống xử lý kỹ thuật mà không gây phản ứng tiêu cực từ nhà đầu tư. "Cần có cơ chế rõ ràng, không hoàn toàn theo cảm tính. Đây là một vấn đề nghiêm trọng với thị trường", vị này trao đổi.

Việt Nam chưa cần ngắt mạch giao dịch?

Ông Nguyễn Thanh Hà - chủ tịch Công ty luật SBLAW, cho rằng Việt Nam chưa nên sử dụng cơ chế ngắt mạch trong bối cảnh hiện nay, kể cả khi có cơ chế.

"Thị trường đã giảm trong ba phiên gần đây, nhưng Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực đàm phán với Mỹ về vấn đề thuế quan. Ngừng giao dịch là không nên, dù cơ chế cho phép hay không", ông Hà nói. Theo ông Hà, việc tạm dừng giao dịch dù chỉ trong thời gian ngắn cũng gây ra nhiều hệ lụy.

"Cơ quan quản lý nên theo dõi sát tình hình, trấn an tâm lý nhà đầu tư. Nhà đầu tư nên bình tĩnh, tránh hoảng loạn, theo dõi thông tin từ cuộc đàm phán thuế và biến động thị trường toàn cầu. Giá trị tài sản thất thoát trên thị trường chứng khoán chỉ là tạm thời nếu nhà đầu tư có chiến lược hợp lý", ông Hà khuyến cáo.

Nhiều điểm mới, không chỉ 'ngắt mạch giao dịch'...Nhiều điểm mới, không chỉ 'ngắt mạch giao dịch'...

TTO - Một trong những điểm mới được nêu tại dự thảo nghị định là SSC được quyền yêu cầu Sở giao dịch chứng khoán thay đổi giờ mở cửa giao dịch, thu hẹp biên độ giá...

Đọc tiếp Về trang Chủ đề

Bài viết liên quan

Bài viết mới nhất