Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Không để dân tộc đánh mất cơ hội phát triển'

Tổng Bí thư: 'Không để dân tộc đánh mất cơ hội phát triển'

Ngày 27/4, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một", khẳng định thời khắc lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 là sự kiện trọng đại, đánh dấu ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, trong 30 năm kháng chiến chống thực dân và đế quốc (1945-1975), dù đối mặt với vô vàn gian khổ, hy sinh, ý chí về một nước Việt Nam độc lập, thống nhất chưa bao giờ lay chuyển. Hàng triệu người con ưu tú đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc.

Tổng Bí thư nhắc lại những hình ảnh xúc động về những người mẹ tiễn con, vợ tiễn chồng ra trận, những em nhỏ lớn lên trong mưa bom, bão đạn, những chiến sĩ biệt động thành, dân quân du kích, bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... Tất cả đều mang trong mình niềm tin mãnh liệt vào ngày thống nhất đất nước.

"Chiến thắng 30/4 là thành quả kết tinh từ lý tưởng và ý chí thép của một dân tộc không bao giờ khuất phục, từ máu xương của hàng triệu người con đất Việt, từ tình yêu quê hương, đất nước, từ bản lĩnh, niềm tin chiến thắng và quyết tâm không bao giờ lùi bước", Tổng Bí thư khẳng định.

Tổng Bí Thư Tô Lâm. Ảnh: Giang Huy

Tổng Bí Thư Tô Lâm. Ảnh: Giang Huy

Hành trình nửa thế kỷ khôi phục, hàn gắn và phát triển

Tổng Bí thư đánh giá, hơn một thế kỷ qua, dân tộc Việt Nam đã trải qua những trang sử bi tráng, gánh chịu nhiều đau thương, mất mát dưới ách đô hộ, áp bức của thực dân, phong kiến và hai cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài hơn ba thập kỷ.

Chiến tranh không chỉ lấy đi sinh mạng của hàng triệu người, mà còn để lại di chứng sâu sắc về thể chất, tinh thần, kinh tế xã hội và môi trường. Đến nay, Việt Nam vẫn đang nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh và bom mìn, chất độc da cam.

Thời gian, lòng nhân ái, đức vị tha đã giúp dân tộc từng bước vượt qua nỗi đau, chữa lành vết thương, gác lại quá khứ, tôn trọng sự khác biệt, hướng tới tương lai. "Sau 50 năm thống nhất, chúng ta có đủ bản lĩnh, niềm tin, sự tự hào và bao dung để cùng nhau nhìn về phía trước, để cuộc chiến tranh không còn là hố ngăn cách giữa những người con cùng dòng máu Lạc Hồng", Tổng Bí thư viết.

Tổng Bí thư nhấn mạnh chính sách hòa hợp dân tộc luôn là lựa chọn chiến lược lâu dài, là trụ cột trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nguyên nhân lịch sử dẫn đến chiến tranh bao gồm sự can thiệp, chia rẽ bên ngoài, những âm mưu phá hoại tinh thần đoàn kết, gieo rắc thù hận vì mưu đồ chính trị. Tuy nhiên, "mọi người Việt Nam, dù ở trong nước hay ngoài nước, dù từng đứng ở phía nào của lịch sử, đều có chung cội nguồn, ngôn ngữ, tình yêu dành cho quê hương".

Tổng Bí thư chia sẻ, trong các chuyến công tác tới nhiều châu lục, ông đã gặp gỡ hàng nghìn đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, từ trí thức trẻ đến doanh nhân thành đạt, nghệ sĩ nổi tiếng, người lao động bình dị. Dù khác biệt về quan điểm chính trị, trải nghiệm lịch sử hay điều kiện sống, họ đều mang trong lòng niềm tự hào dân tộc, đều là "con dân đất Việt" và luôn hướng về quê hương.

Tổng Bí thư từng chứng kiến những cuộc gặp gỡ cảm động giữa cựu chiến binh Việt Nam và cựu binh Mỹ - những người từng đối đầu nay có thể bắt tay, trò chuyện, chia sẻ với sự thấu hiểu chân thành. Ngày nay, Việt Nam và Mỹ đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện.

"Vậy thì không có lý do gì để những người Việt Nam cùng chung huyết thống, cùng một mẹ Âu Cơ, luôn đau đáu về một đất nước thống nhất, phồn vinh, lại còn mang mãi trong lòng nỗi hận thù, chia rẽ và ngăn cách", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng duyệt diễu binh 30/4. Ảnh: Nhóm phóng viên

Lực lượng diễu binh lễ kỷ niệm 30/4 đi qua chợ Bến Thành trong ngày tổng duyệt. Ảnh: An Khương

Tổng Bí thư khẳng định hòa hợp dân tộc không có nghĩa là quên lãng lịch sử hay xóa nhòa sự khác biệt, mà là chấp nhận những góc nhìn khác nhau trong tinh thần bao dung và tôn trọng, để cùng hướng tới mục tiêu lớn hơn là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, hùng mạnh, văn minh, thịnh vượng, để các thế hệ mai sau không bao giờ phải chứng kiến chiến tranh, chia ly và hận thù, mất mát như cha ông từng đối mặt.

Tổng Bí thư tin tưởng rằng mọi người con đất Việt, dù sinh sống ở đâu, dù quá khứ thế nào, đều có thể đồng hành, chung sức, góp phần xây dựng một tương lai tươi sáng cho dân tộc. Đảng và Nhà nước luôn nhất quán mở rộng vòng tay, trân trọng mọi đóng góp, lắng nghe mọi tiếng nói xây dựng, đoàn kết từ cộng đồng người Việt ở nước ngoài, những người đang góp phần kết nối Việt Nam với thế giới.

"Chúng ta không thể viết lại lịch sử, nhưng chúng ta có thể hoạch định lại tương lai. Quá khứ là để ghi nhớ, để tri ân và để rút ra bài học. Tương lai là để cùng nhau xây dựng kiến tạo và phát triển. Đó là lời hứa danh dự của thế hệ hôm nay với những người đã ngã xuống, là tâm nguyện chung của một dân tộc từng trải qua nhiều đau thương nhưng chưa bao giờ khuất phục", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Trước đây, không một người Việt Nam chân chính nào muốn đất nước bị chia cắt. Ngày nay, chắc chắn không một người Việt Nam chân chính nào lại không mong đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

Hướng tới tương lai: Đổi mới và phát triển

Tổng Bí thư cho rằng độc lập và thống nhất không phải là đích đến cuối cùng, mà là điểm khởi đầu cho hành trình xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, giàu mạnh, văn minh, phát triển và trường tồn. Thế hệ hôm nay phải biến lý tưởng đó thành động lực phát triển, thành đôi cánh vươn lên trong thời đại mới.

Trong bối cảnh thế giới biến động nhanh, khó lường, Việt Nam cần có bản lĩnh vững vàng, tỉnh táo, không bị cuốn vào những vòng xoáy địa chính trị hay rơi vào thế bị động trước các xung đột quốc tế. Mỗi khúc quanh của lịch sử thế giới đều có thể trở thành cơ hội hoặc thách thức lớn.

"Hơn lúc nào hết, chúng ta cần xây dựng một nền kinh tế tự lực, tự cường; một nền quốc phòng an ninh toàn dân, toàn diện và hiện đại; một hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, một xã hội phát triển, đoàn kết, văn hóa và nhân văn", Tổng Bí thư kêu gọi.

Trực thăng hợp luyện ngày 19/4 ở TP HCM. Ảnh: Phước Tuấn

Trực thăng hợp luyện ngày 19/4 ở TP HCM. Ảnh: Phước Tuấn

Để đạt được điều đó, cả nước phải phát huy trí tuệ và sức mạnh của toàn dân tộc, bao gồm cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, một bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân. Trong kỷ nguyên số, mỗi người Việt Nam ở khắp năm châu có thể đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước bằng tri thức, sự sáng tạo, lòng yêu nước và trách nhiệm công dân.

Kỷ nguyên mới với công nghệ trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh và phát triển bền vững đòi hỏi tư duy mới, mô hình phát triển mới, con người mới.

Tổng Bí thư Tô Lâm kêu gọi thế hệ hiện tại nhận thức sâu sắc về trách nhiệm kế thừa và phát huy những giá trị di sản vĩ đại của cha ông, đồng thời làm rạng danh đất nước trong thời đại mới. Mỗi hành động hôm nay "phải xứng đáng với máu xương đã đổ xuống, với những hy sinh mất mát mà cả dân tộc đã từng gánh chịu".

"Chúng ta không thể để đất nước tụt hậu. Chúng ta không thể để dân tộc đánh mất cơ hội. Chúng ta không thể để lặp lại những vòng xoáy của lịch sử. Vì vậy, phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Chúng ta phải hành động vì tương lai lâu dài chứ không vì thành tích ngắn hạn", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

>>> Bài viết "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một" của Tổng Bí thư Tô Lâm

Vũ Tuân

Bài viết liên quan

Bài viết mới nhất