Tổng Bí thư: Dự kiến cả nước còn 34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập

Tổng Bí thư vừa thông tin về việc này tại buổi gặp mặt hơn 300 cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu miền Trung - Tây Nguyên, diễn ra chiều 28/3 tại TP Đà Nẵng, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Theo Tổng Bí thư, dự kiến đầu tháng 4, Trung ương sẽ họp để bàn và quyết định các phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính. "Dự kiến ban đầu, cả nước sẽ còn khoảng 34 tỉnh, thành phố sau khi sắp xếp lại 63 tỉnh, thành hiện nay; đồng thời kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện và sáp nhập để còn khoảng 5.000 đơn vị hành chính cấp xã, phường", Tổng Bí thư cho biết.

Tổng Bí thư cũng cho hay, Bộ Chính trị đang xây dựng đề án sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh (không tổ chức cấp huyện) và tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã để trình Trung ương. Đề án này cũng bao gồm việc sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, dự kiến trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Sau khi Trung ương thông qua, nội dung sẽ được trao đổi với các cấp ủy Đảng trực thuộc Trung ương, các tỉnh, địa phương và lấy ý kiến nhân dân.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi gặp mặt, nói chuyện với cán bộ lão thành miền Trung - Tây Nguyên, TP Đà Nẵng ngày 28/3. Ảnh: Nguyễn Đông

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi gặp mặt cán bộ lão thành miền Trung - Tây Nguyên, TP Đà Nẵng ngày 28/3. Ảnh: Nguyễn Đông

Mục tiêu của việc này là tổ chức lại không gian phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo an ninh quốc phòng với tầm nhìn đến năm 2045-2050 và xa hơn. Dự kiến, hệ thống tổ chức bộ máy hành chính sẽ được cơ cấu lại thành ba cấp: trung ương, tỉnh/thành phố và xã/phường.

Việc sáp nhập cũng hướng đến xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn, chủ động tiếp cận người dân. Điều này tạo không gian phát triển kinh tế xã hội cho từng khu vực, hướng tới sự phồn vinh của đất nước và nâng cao đời sống nhân dân.

Tổng Bí thư cho biết hiện nay khoảng 80% quốc gia trên thế giới tổ chức hệ thống chính quyền ba cấp, trong khi Việt Nam là một trong số ít các nước duy trì mô hình bốn cấp, dẫn đến sự trùng lặp trong chức năng, nhiệm vụ giữa các cấp hành chính.

"Do vậy cần thiết phải sắp xếp lại theo hướng Trung ương làm thì tỉnh thôi, nếu tỉnh làm thì xã thôi và nếu xã làm thì tỉnh không làm nữa. Bộ máy tinh gọn phải thống nhất như vậy", Tổng Bí thư nhấn mạnh. Trung ương sẽ tập trung vào chiến lược quốc gia, đối ngoại, quốc phòng, an ninh; còn tỉnh sẽ triển khai các vấn đề cụ thể ở địa phương, đặc biệt là cấp xã.

Tổng Bí thư Tô Lâm bắt tay thăm hỏi cán bộ lão thành miền Trung. Ảnh: Nguyễn Đông

Tổng Bí thư Tô Lâm bắt tay thăm hỏi cán bộ lão thành miền Trung. Ảnh: Nguyễn Đông

Tổng Bí thư nhấn mạnh vai trò quan trọng của chính quyền cấp xã, bởi đây là cấp cơ sở, trực tiếp triển khai mọi chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước.

Ông cho biết chính quyền cấp xã trước đây chưa được phân cấp, phân quyền đầy đủ. Nay quy trình sẽ đảo ngược, cán bộ xã phải thực sự nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, hiểu rõ những mong muốn, khó khăn và nhu cầu của người dân để chủ động giải quyết.

Theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cả nước có 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh giữ nguyên hiện trạng, 52 địa phương còn lại thuộc diện phải sắp xếp, bao gồm cả 4 thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại cuộc gặp, Tổng Bí thư cũng đề cập đến tình trạng lãng phí hiện nay, cho rằng "còn gây tổn thất cao hơn cả tham nhũng, tiêu cực". Theo Bộ Công an, cả nước còn tồn đọng khoảng 2.800 công trình, dự án chậm tiến độ hoặc không đưa được vào sử dụng, có nguy cơ lãng phí. Khoảng 483 dự án với diện tích gần 20.000 ha chưa được khai thác. Thống kê sơ bộ từ các tỉnh cũng cho thấy 3.495 dự án chậm tiến độ, chiếm tổng diện tích gần 55.000 ha.

Tổng Bí thư nhấn mạnh sự cần thiết phải xử lý tốt vấn đề này để tạo nguồn lực lớn cho phát triển đất nước.

Nguyễn Đông

Bài viết liên quan

Bài viết mới nhất

post-image-de-xuat-gay-chu-y-bo-an-tu-hinh-cho-8-toi-danh-trong-du-thao-bo-luat-hinh-su-sua-doi
Đề xuất gây chú ý: Bỏ án tử hình cho 8 tội danh trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi
Pháp Luật - Xã Hội
17 phút trước

Bộ Công an đề xuất bỏ án tử hình đối với 8 tội danh trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, bao gồm Nhận hối lộ, Tham ô tài sản, Gián điệp và Vận chuyển trái phép chất ma túy. Động thái này nhằm giảm bớt áp lực lên hệ thống tư pháp và đảm bảo tính nhân đạo.