Tàu vũ trụ Kosmos 482 của Liên Xô đã trở lại Trái Đất sau 53 năm trên quỹ đạo - Ảnh: ARAB TIMES
Ngày 10-5, kênh France 24 đưa tin một tàu vũ trụ từ thời Liên Xô, được thiết kế cho nhiệm vụ hạ cánh xuống sao Kim, đã rơi trở lại Trái đất sau hơn nửa thế kỷ lang thang trong không gian.
Tàu vũ trụ này, mang tên Kosmos 482, được phóng vào năm 1972 như một phần của chương trình thám hiểm sao Kim. Tuy nhiên, do sự cố kỹ thuật với tên lửa đẩy, nó đã không thể rời khỏi quỹ đạo Trái đất.
Trong hơn 50 năm, con tàu đã trôi dạt trong không gian. Phần lớn cấu trúc của nó đã phân rã và rơi trở lại Trái đất trong thập kỷ sau lần phóng hỏng.
Phần còn lại cuối cùng - khoang đổ bộ hình cầu rộng khoảng 1 mét - cuối cùng cũng đã rơi xuống. Các chuyên gia cho biết khoang đổ bộ này được chế tạo bằng titan, nặng hơn 495 kg và được thiết kế để chịu được các điều kiện khắc nghiệt trên sao Kim, hành tinh nóng nhất trong hệ Mặt trời.
Cơ quan Vũ trụ Nga và Cơ quan Giám sát Không gian của Liên minh Châu Âu đã xác nhận vụ việc. Phía Nga thông báo con tàu đã rơi xuống Ấn Độ Dương, mặc dù một số chuyên gia vẫn còn nghi ngờ về vị trí chính xác. Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu bộ phận của con tàu còn nguyên vẹn sau khi xuyên qua bầu khí quyển.
Bộ Tư lệnh Không gian Hoa Kỳ cũng đang tiến hành thu thập và phân tích dữ liệu từ quỹ đạo để xác minh vị trí rơi.
Các nhà khoa học cho biết khả năng có người bị mảnh vỡ từ tàu vũ trụ rơi trúng là cực kỳ thấp.
Theo hiệp ước của Liên hợp quốc, mọi mảnh vỡ còn lại thuộc quyền sở hữu của Nga. Tuy nhiên, việc xác định chính xác vị trí rơi của tàu vẫn còn khó khăn do ảnh hưởng của hoạt động Mặt trời và sự xuống cấp của thiết bị sau nhiều năm trong không gian.
Sự kiện này thu hút sự chú ý của giới khoa học và các cơ quan vũ trụ vì khả năng sống sót tương đối cao của tàu khi tái nhập khí quyển. Tuy nhiên, một số nhà quan sát bày tỏ sự tiếc nuối vì không biết được nơi "an nghỉ" cuối cùng của con tàu sau hơn nửa thế kỷ du hành trong vũ trụ.
Nhà khoa học người Hà Lan Marco Langbroek đã chia sẻ trên mạng xã hội X: "Nếu nó rơi xuống Ấn Độ Dương, thì chỉ có cá voi là chứng kiến."