Tàu thăm dò Sao Kim Kosmos 482 rơi xuống Trái Đất sau 53 năm
Tàu thăm dò Sao Kim rơi xuống Trái Đất
Theo thông báo từ Roscosmos, tàu Kosmos 482 đã trở lại Trái Đất vào ngày 10/5 và rơi xuống Ấn Độ Dương, khu vực phía tây Jakarta, Indonesia. Quá trình hạ cánh được giám sát bởi Hệ thống cảnh báo tự động về các tình huống nguy hiểm trong không gian gần Trái Đất của Roscosmos. May mắn không có thiệt hại hay thương tích nào được ghi nhận.
Mô hình tàu Venera, thiết kế tương tự Kosmos 482. Ảnh: NASA
Trước đó, vào cuối tháng trước, đã có dự đoán Kosmos 482 sẽ rơi trở lại Trái Đất trong tháng này, tuy nhiên vị trí chính xác vẫn chưa được xác định. Nhờ cấu tạo từ vật liệu titan siêu cứng, được thiết kế để chịu đựng bầu khí quyển khắc nghiệt của Sao Kim, nhiều bộ phận của tàu có khả năng sống sót khi xuyên qua khí quyển Trái Đất và va chạm với bề mặt, theo Interesting Engineering.
Kosmos 482 được phóng vào ngày 31/3/1972 trong khuôn khổ Chương trình Venera, với mục tiêu đưa tàu đổ bộ lên Sao Kim. Tuy nhiên, tàu đã không thể rời khỏi quỹ đạo Trái Đất do sự cố của tầng đẩy Blok L. Kết quả là con tàu mắc kẹt trên quỹ đạo Trái Đất. Sau khi phóng, tàu vũ trụ vỡ thành bốn mảnh, trong đó hai mảnh nhỏ hơn đã rơi trở lại khí quyển và rơi xuống Ashburton, New Zealand hai ngày sau đó. Module hạ cánh nặng khoảng 495 kg tiếp tục quay quanh Trái Đất sau khi nhiệm vụ thất bại.
Chương trình Venera của Liên Xô, hoạt động từ năm 1961 đến đầu những năm 1980, đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc khám phá Sao Kim (Venera là tên Sao Kim trong tiếng Nga). Năm 1970, Venera 7 trở thành tàu vũ trụ đầu tiên hạ cánh thành công trên một hành tinh khác và truyền dữ liệu từ bề mặt Sao Kim. Năm 1975, Venera 9 lần đầu tiên gửi ảnh chụp từ bề mặt hành tinh này về Trái Đất. Chương trình này được đánh giá là thành công, cung cấp những dữ liệu vô giá về bầu khí quyển và điều kiện bề mặt của Sao Kim.
Kể từ khi kỷ nguyên vũ trụ bắt đầu vào cuối những năm 1950, hàng nghìn vệ tinh đã được phóng lên quỹ đạo. Bên cạnh những vệ tinh hoàn thành nhiệm vụ, nhiều tàu đã ngừng hoạt động, làm gia tăng vấn đề rác thải vũ trụ. Theo Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, có khoảng 3.000 vệ tinh "chết" như Kosmos 482 đang quay quanh Trái Đất, tạo thành mối đe dọa tiềm ẩn đối với an toàn của con người.
Roscosmos cho biết hàng ngàn tàu vũ trụ không còn hoạt động vẫn còn tồn tại trên quỹ đạo Trái Đất. Chỉ tính riêng năm ngoái, có tới 1.981 vật thể vũ trụ, cả tự nhiên và nhân tạo, đã xâm nhập vào khí quyển. "Trên thực tế, mỗi ngày có khoảng năm vật thể rơi xuống Trái Đất, cứ bảy vật thể thì có một vật nặng hơn 500 kg. Chúng ta có thể quan sát chúng vào ban đêm dưới dạng 'sao băng'. Các trường hợp thiệt hại về vật chất rất hiếm, và chưa có thương tích nào về người được ghi nhận", đại diện Roscosmos chia sẻ với RT.
Bảo Lâm (theo RT, Interesting Engineering)
- Tàu thăm dò Sao Kim sắp rơi trở lại Trái Đất sau 53 năm
- Tàu đổ bộ tư nhân Nhật Bản tiến vào quỹ đạo Mặt Trăng
- Tàu Thần Châu 20 chở 3 phi hành gia lên trạm Thiên Cung
- 'Kỷ nguyên vàng' trong thám hiểm không gian của NASA
- Kế hoạch thu hồi vệ tinh 'già' nhất