Review phim 'Thám tử Kiên': Victor Vũ tìm lại phong độ với trinh thám cổ trang
'Thám tử Kiên': Victor Vũ tìm lại phong độ
* Lưu ý: Bài viết có tiết lộ một phần nội dung phim
Trailer "Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu" - dán nhãn 16+, khởi chiếu 30/4. Video: Đoàn phim cung cấp
Sau thành công của Người vợ cuối cùng, đạo diễn Victor Vũ tiếp tục khai thác câu chuyện về Kiên (Quốc Huy thủ vai), một quan tra án tài ba dưới triều Nguyễn. Nếu ở tác phẩm trước, thám tử Kiên chỉ xuất hiện thoáng qua, thì trong phim này, anh trở thành nhân vật trung tâm. Victor Vũ vẫn trung thành với kịch bản gốc Hồ oán hận của nhà văn Hồng Thái, xoay quanh những vụ án kinh hoàng ở vùng quê Bắc Bộ vào thế kỷ 19.
Với hơn 20 năm làm phim tại Việt Nam, Victor Vũ đã khẳng định được phong cách kể chuyện độc đáo và lựa chọn kịch bản thông minh. Anh từng gặt hái nhiều kỷ lục phòng vé với các thể loại đa dạng như hài (Cô dâu đại chiến), kinh dị (Quả tim máu) và tình cảm (Mắt biếc). Tuy nhiên, một số phim gần đây như Thiên thần hộ mệnh, Người vợ cuối cùng lại bị đánh giá là bước thụt lùi do cốt truyện quen thuộc và thiếu sáng tạo.
Thám tử Kiên đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của Victor Vũ với thể loại trinh thám kinh dị, thể loại đã từng làm nên tên tuổi của anh. Sức hấp dẫn của bộ phim đến từ kịch bản chặt chẽ, được Victor Vũ và biên kịch Đức Nguyễn trau chuốt tỉ mỉ.
Phim mở đầu bằng việc giới thiệu nhanh chóng về biến cố chính. Hai Mẫn (Đinh Ngọc Diệp), vợ cũ của quan huyện Đức Trọng, tìm đến thám tử Kiên để cầu cứu khi Nga (Minh Anh), cháu gái của cô, mất tích một cách bí ẩn, chỉ để lại một chiếc hài. Sự việc càng trở nên đáng sợ hơn khi dân làng đồn đại về ma da, một thế lực gây ra những vụ án mạng kinh hoàng với các nạn nhân bị mất đầu. Với tài năng của mình, Kiên nhanh chóng khoanh vùng các đối tượng tình nghi, bao gồm công tử Thạc (Quốc Anh), người tình bí mật của Nga, Tuyết (Anh Phạm), con gái quan Liêm, và thậm chí là cha của Nga (Quốc Cường).
Thám tử Kiên là vai chính điện ảnh đầu tiên của diễn viên Quốc Huy. Ảnh: Đoàn phim cung cấp
Giống như nhiều tác phẩm trinh thám khác, phim được chia thành ba phần rõ rệt. Để duy trì sự kịch tính, Victor Vũ khéo léo lồng ghép yếu tố "án trong án". Nhân vật chính không chỉ tìm kiếm tung tích của Nga mà còn phải giải mã một thảm kịch xảy ra ở địa phương từ hàng chục năm trước. Điểm chung của hai vụ án này là sự liên quan đến truyền thuyết về ma da.
Đạo diễn dẫn dắt khán giả bằng cách tung ra những gợi ý, khuyến khích họ suy luận cùng với thám tử Kiên. Thông qua các cuộc đối thoại giữa Kiên và Hai Mẫn, thông tin về từng nhân vật được hé lộ, giúp người xem nắm bắt được động cơ của họ. Những đoạn hồi tưởng quá khứ được lồng ghép một cách mượt mà, giúp nhân vật chính xâu chuỗi các manh mối.
Nhìn chung, đạo diễn vẫn giữ vững công thức đã làm nên thành công của Scandal: Bí mật thảm đỏ (2012), kết hợp giữa yếu tố tâm linh và trinh thám. Thám tử Kiên, vốn là người không tin vào ma quỷ, liên tục phải đối mặt với những hiện tượng kỳ lạ, khó giải thích. Victor Vũ sử dụng lớp sương mù bao phủ nhiều tình tiết trong phim để tạo sự hoài nghi, chẳng hạn như mối quan hệ phức tạp giữa Nga, Thạc và Tuyết. Khi thám tử gần như tìm ra chân tướng, một cú "twist" bất ngờ lại xuất hiện, khiến mọi thứ trở nên bí ẩn và rối rắm hơn.
Với thời lượng hơn hai tiếng, bộ phim cuốn hút người xem một phần nhờ diễn xuất của nam chính Quốc Huy. Anh vào vai một vị quan điềm tĩnh, quyết đoán, không cố gắng gồng mình để tạo vẻ thâm trầm mà thể hiện cảm xúc chủ yếu qua ánh mắt. Những đoạn thoại của nhân vật được lập luận một cách khúc chiết, mạch lạc. Trong một phân cảnh đặc biệt, đạo diễn sử dụng thủ pháp "phá vỡ bức tường thứ tư", khi nhân vật vừa giải thích vừa nhìn thẳng vào màn hình, lôi kéo khán giả cùng tham gia phá án.
Thám tử Kiên là một người văn võ song toàn, nhưng không phải lúc nào cũng chiến thắng. Anh có lúc trở thành nạn nhân của một âm mưu thâm độc và suýt mất mạng. Sự phát triển tính cách của nhân vật được xây dựng một cách hợp lý. Từ một người cứng nhắc, tuân thủ nguyên tắc, anh dần nhận ra rằng không phải lúc nào cũng nên đặt lý trí lên hàng đầu, mà cần biết dung hòa giữa lý trí và tình cảm.
Thám tử Kiên và Hai Mẫn kết hợp thành bộ đôi điều tra. Ảnh: Đoàn phim cung cấp
Hai Mẫn là nhân vật phụ trợ đắc lực cho nhân vật chính. Được yêu thích ở Người vợ cuối cùng nhờ tính cách thẳng thắn, Hai Mẫn có nhiều cơ hội thể hiện hơn trong phim này. Đinh Ngọc Diệp mang đến những khoảnh khắc hài hước qua những cuộc trò chuyện chân thành, có phần ngây ngô của Hai Mẫn. Với trái tim ấm áp, Hai Mẫn có cách suy luận vấn đề khác biệt so với thám tử Kiên, từ đó giúp anh phá án. Ở tuyến nhân vật phụ, bà Vượng (Mỹ Uyên), vợ quan Liêm, nổi bật với vẻ ngoài toan tính và nắm giữ nhiều manh mối quan trọng của vụ án.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh nhận xét Thám tử Kiên là một trong những tác phẩm hay nhất của Victor Vũ, hấp dẫn nhờ yếu tố giải trí và thể hiện đầy đủ sở trường của anh. Blogger điện ảnh Lucas Luân Nguyễn kỳ vọng vào một chuỗi phim trinh thám - ly kỳ đầu tiên của Việt Nam nhờ kết thúc mở của phim.
Bối cảnh và thiết kế phục trang cũng là những điểm sáng, góp phần nâng tầm tác phẩm. Đạo diễn đã đưa vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên Cao Bằng lên màn ảnh rộng, từ những con suối, hang động đến những cánh đồng cỏ bao la. Nội thất của thị trấn cổ, chợ phiên và nhà quan được phục dựng tỉ mỉ, trau chuốt đến từng chi tiết nhỏ.
Hậu trường thực hiện cổ phục quay "Thám tử Kiên" của Victor Vũ. Video: Đoàn phim cung cấp
Đoàn làm phim đã sử dụng gần 1.000 bộ cổ phục, được phân loại theo tầng lớp xã hội như áo dài lụa, áo tứ thân, nón quai thao và khăn vấn. Để tạo cảm giác chân thật, đội ngũ thiết kế đã tẩy và nhuộm lại vải, đồng thời làm thủ công các phụ kiện cho từng trang phục. Tạo hình tử thi và ma da trong phim được hóa trang sống động, kết hợp với yếu tố "jumpscare" vừa đủ để tạo nên nỗi sợ hãi.
Một điểm yếu nhỏ của phim là một số đoạn thoại còn mang đậm chất hiện đại, không phù hợp với bối cảnh trinh thám cổ trang. Victor Vũ giải thích rằng đây là chủ ý của anh và đội ngũ biên kịch. Sau những hạn chế của Người vợ cuối cùng, anh đã rút kinh nghiệm, tránh sử dụng quá nhiều từ ngữ cổ và hướng đến một bộ phim gần gũi hơn với khán giả, đặc biệt là giới trẻ. Theo số liệu từ Box Office Vietnam, tính đến chiều ngày 28/4, sau ba ngày công chiếu, bộ phim đã thu về 33 tỷ đồng.
Mai Nhật