Quảng Ngãi: Chiêm ngưỡng quầng mặt trời kỳ ảo kéo dài hơn 2 giờ
Quầng mặt trời xuất hiện hơn 2 giờ trên bầu trời Quảng Ngãi
Quầng mặt trời rực rỡ trên bầu trời Quảng Ngãi. Ảnh: Minh Huy
Sáng ngày 14/5, người dân ở huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi đã may mắn chứng kiến hiện tượng quang học thú vị - quầng mặt trời. Anh Võ Minh Huy, một người dân địa phương, đã ghi lại những hình ảnh ấn tượng này khi vầng hào quang xuất hiện sau rặng dừa gần nhà. Anh chia sẻ: "Hiện tượng này không quá xa lạ, nhưng hôm nay nó kéo dài rất lâu, đến hơn 12h trưa vẫn còn thấy rõ.".
Quầng mặt trời vào thời điểm 12h trưa. Ảnh: Phạm Linh
Anh Nguyễn Anh Đôn, một lập trình viên, cũng đã ghi lại được khoảnh khắc tuyệt đẹp này khi đang trên đường đi giao hàng trong thành phố Quảng Ngãi.
"Khi ngước nhìn lên, tôi vô cùng ngạc nhiên trước cảnh tượng kỳ ảo này. Tôi đã nhanh chóng chụp lại khoảnh khắc hiếm có và chia sẻ lên các diễn đàn nhiếp ảnh để mọi người cùng chiêm ngưỡng," anh Đôn hào hứng kể lại.
Anh Đôn tạo dáng chụp ảnh kỷ niệm cùng quầng mặt trời. Ảnh: Anh Đôn
Ông Nhâm Xuân Sỹ, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, cho biết hiện tượng này thường được gọi là quầng mặt trời và không phải là điều hiếm gặp.
Theo TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia dự báo độc lập, quầng mặt trời hình thành do sự khúc xạ và phản xạ ánh sáng mặt trời qua các tinh thể băng hình lục giác trong các đám mây ti tầng ở độ cao 5 - 10 km. Khi ánh sáng đi qua các tinh thể này, nó bị bẻ cong và phân tách thành nhiều màu sắc khác nhau, tạo thành một vòng tròn sáng rực rỡ quanh Mặt Trời, tương tự như cầu vồng với màu đỏ ở phía trong và màu tím ở phía ngoài.
Hiện tượng này thường xảy ra khi nhiệt độ ở tầng khí quyển từ 5.000 - 10.000 mét giảm xuống 0⁰C, tạo điều kiện cho sự ngưng tụ của các tinh thể băng mỏng hình thành mây ti tầng che phủ bầu trời.
Trong dân gian, quầng mặt trời đôi khi được xem là dấu hiệu báo trước mưa trong những ngày tới. Tuy nhiên, TS Huy nhấn mạnh rằng đây không phải là một dấu hiệu chắc chắn cho một giai đoạn thời tiết kéo dài.
Phạm Linh