Phim tài liệu Thụy Điển về ngày 30/4/1975 lần đầu công bố tại Việt Nam
Thụy Điển trao tặng Việt Nam phim tài liệu quý về ngày 30/4/1975: "Victory Vietnam" lần đầu ra mắt sau 50 năm
Ngày 30/4/1975 là một dấu mốc lịch sử trọng đại, đánh dấu chiến thắng của Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ, thống nhất đất nước. Sự kiện này không chỉ là niềm vui của người Việt mà còn lan tỏa đến nhiều bạn bè quốc tế, trong đó có những người dân Thụy Điển. Những khoảnh khắc đáng nhớ đó đã được đạo diễn Bo Öhlén và các đồng nghiệp ghi lại trong bộ phim tài liệu "Victory Vietnam" dài 28 phút.
Vào thời điểm đó, đạo diễn Bo Öhlén đã gửi một bản sao của bộ phim về Việt Nam. Tuy nhiên, do những hạn chế về liên lạc, thông tin về người hoặc đơn vị tiếp nhận tác phẩm đã bị thất lạc. Sau nửa thế kỷ, bộ phim tưởng chừng đã chìm vào quên lãng. Đến năm ngoái, đạo diễn tình cờ phát hiện ra một tệp dữ liệu được lưu trữ tại Thư viện Hoàng gia Thụy Điển, và vô cùng xúc động khi tìm lại được bộ phim năm xưa.
Khoảnh khắc người dân Thụy Điển xuống đường ăn mừng ngày thống nhất của Việt Nam, 30/4/1975. Ảnh: Trích từ phim "Victory Vietnam" (Chiến thắng của Việt Nam)
"Victory Vietnam" là minh chứng cho tình đoàn kết quốc tế, thể hiện sự ủng hộ của những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới đối với Việt Nam. Bộ phim được thực hiện với chất lượng hình ảnh tốt, đặc biệt khi so sánh với các tư liệu thời bấy giờ ở Việt Nam, vốn chủ yếu là đen trắng.
Tác phẩm tràn ngập không khí hân hoan, thể hiện qua tiếng kèn, tiếng trống và những bước chân diễu hành. Đó là khoảnh khắc tôn vinh tinh thần đoàn kết quốc tế, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: "Quan san muôn dặm một nhà. Vì trong bốn biển đều là anh em".
Vào ngày 30/4/1975, trang nhất của nhiều tờ báo Thụy Điển đã đưa tin về chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trên các mái nhà ở thủ đô Stockholm, lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay. Người dân xuống đường, hát vang bài hát Giải phóng miền Nam bằng tiếng Thụy Điển và hô vang khẩu hiệu: "Mặt trận Giải phóng Dân tộc miền Nam chiến thắng!", "Việt Nam muôn năm!".
Khán giả Việt Nam xúc động khi xem "Victory Vietnam" - bộ phim tài liệu được Thụy Điển trao tặng. Video: Đỗ Nam - Mai Anh
Bộ phim còn thể hiện tinh thần lãng mạn và yêu tự do của người Thụy Điển. Những gia đình trẻ hào hứng xuống đường, thiếu nữ trao hoa cho người lạ. Họ hát bằng tiếng Thụy Điển: "Như làn gió mang khói từ Hải Phòng, Việt Nam rất gần, như lời hứa rằng những kẻ áp bức sẽ bị lật đổ". Một trong những khoảnh khắc ấn tượng nhất là khi ông Nguyễn Việt, Đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Thụy Điển, phát biểu tại một sự kiện và cất giọng hò: "Khao khát trăm năm mãi đợi chờ. Hôm nay vui đến ngỡ trong mơ. Một trời chân lý xanh không tưởng. Mặt đất bình yên rất trẻ thơ". Phía dưới, hàng nghìn người vỗ tay hưởng ứng.
Buổi meeting ngày 1/5/1975 thu hút khoảng 15.000 người tham dự. Ông Trần Hiếu Kha - quyền Tổng đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Thụy Điển - bày tỏ lòng biết ơn đối với bạn bè quốc tế: "Biết làm sao để diễn tả được hết nỗi niềm của chúng tôi hôm nay đây? Ngày lá cờ giải phóng tung bay tại TP HCM. Hơn một thế kỷ qua, đồng bào chúng tôi chưa được sống trọn vẹn một ngày trong khung cảnh hòa bình thực sự. Nhớ lại để mà vui hôm nay, để mà mắt nhòa lệ". Sự kiện kéo dài đến ngày 3/5, với sự tham gia phát biểu của nhiều trí thức, trong đó có nhà văn Sara Lidman, chia sẻ cảm xúc về những đau thương mà Việt Nam đã trải qua.
Ngày 30/4 cách đây 50 năm, người trẻ Thụy Điển xuống đường ăn mừng chiến thắng của Việt Nam. Ảnh: Trích phim "Victory Vietnam"
Bộ phim tài liệu này chưa từng được công bố ở cả hai quốc gia. Gần đây, một số kênh truyền hình Thụy Điển đã phát sóng những đoạn trích ngắn. Thông qua Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam, đạo diễn Bo Öhlén đã quyết định trao tặng lại bộ phim quý giá này. Sau quá trình hợp tác, Viện phim Việt Nam đã tiếp nhận, dịch thuật và cho ra mắt bộ phim nhân dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.
Vì lý do cá nhân, đạo diễn Bo Öhlén không thể tham dự buổi lễ trao tặng phim diễn ra vào ngày 25/4 tại Hà Nội. Ông đã gửi một video chia sẻ cảm xúc: "Ngày 30/4/1975 là một ngày vô cùng ý nghĩa đối với Việt Nam. Đó cũng là một ngày đặc biệt quan trọng đối với hàng chục nghìn thanh niên Thụy Điển, những người đã dành hơn một thập kỷ để ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Tôi rất hạnh phúc khi có thể giới thiệu bộ phim này một lần nữa đến với khán giả, mang lại cảm giác gần gũi và tình cảm gắn kết giữa hai dân tộc".
Thụy Điển là quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1969. Tại buổi ra mắt phim, ông Oscar Staffas Edström - trưởng bộ phận thương mại và xúc tiến của Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam - phát biểu: "Bộ phim là biểu tượng cho tình bạn bền chặt giữa Thụy Điển và Việt Nam, đưa chúng ta trở về 50 năm trước, một ngày mùa xuân tươi đẹp, khi người dân Thụy Điển cùng nhau ca hát mừng chiến thắng của Việt Nam. Hy vọng rằng bộ phim sẽ trở thành cầu nối văn hóa, tôn vinh lịch sử chung của hai nước".
Ông Oscar Staffas Edström - trưởng bộ phận thương mại và xúc tiến Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam - trao quyết định tặng phim cho bà Lê Thị Hà - Viện trưởng Viện Phim Việt Nam. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp
Trong thông cáo gửi đến sự kiện, Đại sứ Thụy Điển Johan Ndisi nhấn mạnh: "Qua bộ phim, chúng ta không chỉ thấy được lòng dũng cảm và sự kiên cường của Việt Nam, mà còn thấy những giá trị nhân văn, tinh thần hòa bình và đoàn kết đã kết nối chúng ta. Khi trao tặng bộ phim này cho Viện Phim Việt Nam, chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục truyền cảm hứng để thế hệ tương lai ghi nhớ bài học lịch sử, hướng tới một tương lai dựa trên sự tôn trọng, hiểu biết và hợp tác".
Tại buổi chiếu "Victory Vietnam" sáng 25/4 tại rạp Ngọc Khánh, Hà Nội, nhiều khán giả là những người lớn tuổi, cựu chiến binh từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, đã đến xem phim. Mỗi khi đến những phân đoạn người Thụy Điển hò reo, chúc mừng chiến thắng, khán giả lại đồng loạt vỗ tay hưởng ứng. Ông Nguyễn Cao Nghìn, 83 tuổi, xúc động trước tình cảm của bạn bè quốc tế dành cho những người lính đã chiến đấu bảo vệ Tổ quốc như ông. Ông hy vọng bộ phim sẽ được phổ biến rộng rãi để thế hệ trẻ hiểu thêm về tinh thần đoàn kết và yêu chuộng hòa bình.
Hà Thu