Phản cảm: Nghệ sĩ đi xe cứu thương dự thảm đỏ - PR bất chấp luật pháp?

Tối 26/3, cộng đồng mạng xôn xao trước loạt hình ảnh và video ghi lại cảnh một nhóm nghệ sĩ bước xuống từ xe cứu thương. NSƯT Đại Nghĩa, Ngân Quỳnh, Bạch Công Khanh và Lan Thy... gây tranh cãi khi sử dụng xe cấp cứu để di chuyển đến buổi họp báo ra mắt phim "Âm dương lộ".

Theo đoạn video được lan truyền, xe cứu thương hú còi báo động inh ỏi. Tại khu vực thảm đỏ trước rạp chiếu phim trên đường Cao Thắng (Quận 3, TP.HCM), bảo vệ đã được bố trí sẵn, tạo hàng rào khiến nhiều người dân không khỏi ngạc nhiên. Sau đó, các nghệ sĩ thản nhiên bước lên thảm đỏ, trong khi bên ngoài, đám đông khán giả vây kín, gây cản trở giao thông.

Sự việc nhanh chóng gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trên mạng xã hội. Nhiều người bày tỏ sự bất bình trước hành động sử dụng xe cứu thương với mục đích PR phim. Các bình luận như "Cần xử phạt nghiêm hành động này", "Bất chấp đến mức độ này thì không còn từ ngữ gì để diễn tả" cho thấy sự phẫn nộ của dư luận.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, Phòng CSGT Công an TP.HCM - Tổ địa bàn Quận 3 đã làm việc với tài xế B.T.S, người điều khiển xe cứu thương nói trên. Lực lượng chức năng đã lập biên bản và xử phạt hành chính tài xế B.T.S 2,5 triệu đồng về hành vi "Điều khiển xe ôtô cứu thương sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên không đúng quy định", đồng thời thu hồi giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên của phương tiện.

Vụ nghệ sĩ tới thảm đỏ bằng xe cấp cứu: PR không đồng nghĩa được phép coi thường pháp luật ảnh 1
Ảnh diễn viên bước xuống từ xe cứu thương đến buổi ra mắt phim tại quận 3, TPHCM gây tranh cãi.

Nhiều ý kiến cho rằng, không chỉ tài xế mà cả những cá nhân và tổ chức liên quan đến vụ việc cần phải bị xử lý nghiêm minh. Việc lợi dụng xe cứu thương – một phương tiện mang ý nghĩa nhân đạo cao cả – cho mục đích thương mại đã gây tổn thương đến lòng tin của công chúng. Sự phẫn nộ tăng cao khi người ta nghĩ đến việc xe cứu thương hú còi không phải để cứu người mà chỉ để phục vụ cho một sự kiện giải trí. Tương tự, hình ảnh quan tài bị mang ra diễu phố trước đây cũng đã gây phản cảm, đi ngược lại các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Trao đổi với PV Tiền Phong, luật sư Lê Hồng Hiển (Hãng luật Lê Hồng Hiển) phân tích vụ việc dưới góc độ pháp lý và chỉ ra nhiều khía cạnh vi phạm.

Thứ nhất, vi phạm quy định về sử dụng phương tiện ưu tiên. Luật sư Hiển nhấn mạnh, theo Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 và Nghị định 168/2024 của Chính phủ, chỉ xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu khẩn cấp mới được phép sử dụng còi, đèn ưu tiên.

Hành vi giả dạng xe ưu tiên để di chuyển nhanh, gây nhầm lẫn và ảnh hưởng đến người tham gia giao thông là bị nghiêm cấm và sẽ bị xử lý theo Nghị định 168. Nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thứ hai, xâm phạm biểu tượng ngành y tế và xúc phạm niềm tin cộng đồng. Luật sư Hiển cho rằng, xe cứu thương là biểu tượng của sự sống, lòng tin và sự khẩn cấp. Việc sử dụng nó cho mục đích marketing là hành vi thiếu chuẩn mực, có dấu hiệu lợi dụng hình ảnh ngành y vì mục đích thương mại, gây hiểu lầm và tổn thương tâm lý cộng đồng, đặc biệt là những người đã từng trải qua những tình huống khẩn cấp liên quan đến xe cứu thương.

Có thể bị xem xét về hành vi gây rối trật tự công cộng

Thứ ba, có thể bị xem xét về hành vi gây rối trật tự công cộng. Luật sư Lê Hồng Hiển cho biết, nếu cơ quan chức năng xác định hành vi hú còi, bật đèn, di chuyển gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, có thể bị xét xử về tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự.

Vụ nghệ sĩ tới thảm đỏ bằng xe cấp cứu: PR không đồng nghĩa được phép coi thường pháp luật ảnh 2

Luật sư Lê Hồng Hiển.

"Nghệ thuật PR không thể đồng nghĩa với việc coi thường pháp luật và đánh đổi bằng sự nhầm lẫn, lo lắng của người dân. Tôi không đánh giá bộ phim, nhưng một chiến lược truyền thông phản cảm có thể phá hủy toàn bộ giá trị của tác phẩm và tạo tiền lệ xấu trong xã hội. Hy vọng sau vụ việc này, các nhà làm phim và doanh nghiệp truyền thông sẽ cẩn trọng hơn, sáng tạo nhưng không vượt quá ranh giới pháp luật và đạo đức", luật sư Lê Hồng Hiển nhấn mạnh.

Trước đó, Viện KSND TP.HCM đã phê chuẩn các Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt tạm giam đối với 9 người liên quan đến vụ việc khiêng quan tài diễu phố trước chợ Bến Thành, Quận 1, TP.HCM.

9 bị can bị khởi tố về tội "Gây rối trật tự công cộng" gồm: Hồ Ngọc Tuấn (SN 2000), Lê Văn Nghĩa (SN 1981), Nguyễn Văn Quyết (SN 1995) và vợ là Võ Thị Thanh Xuân (SN 1995), Nguyễn Đăng Khoa (SN 2000), Nguyễn Văn Thẩm (SN 1994), Nguyễn Quốc Cường (SN 1981), Phạm Hùng Cường (SN 1977), Nguyễn Hoàng Sơn (SN 1972).

Theo điều tra, Hồ Ngọc Tuấn là người khởi xướng vụ việc nhằm tăng tương tác trên TikTok để quảng bá sản phẩm quần áo online. Tuấn đã bàn bạc với Quyết, Xuân và Khoa để dàn dựng cảnh khiêng quan tài diễu phố, tạo hiệu ứng sốc để thu hút sự chú ý.

Ngày 1/3, Tuấn đăng tải đoạn clip lên TikTok. Đến ngày 3/3, clip đã thu hút hàng ngàn lượt tương tác, nhưng cũng gây ra sự phẫn nộ trong dư luận. Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP.HCM đã bắt khẩn cấp Hồ Ngọc Tuấn và các đối tượng liên quan.

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao trước nhiều chiến dịch quảng cáo gây sốc, thậm chí vi phạm pháp luật và chuẩn mực đạo đức. Vụ việc khiêng quan tài diễu phố và việc sử dụng xe cứu thương chở nghệ sĩ đến họp báo phim "Âm Dương Lộ" đặt ra câu hỏi lớn về ranh giới giữa sự sáng tạo và sự lạm dụng trong quảng cáo.