Phân biệt diễu binh và duyệt binh: Điểm khác biệt quan trọng?
(Dân trí) - Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu giải thích sự khác nhau giữa diễu binh và duyệt binh, hai hình thức thể hiện sức mạnh quân sự quốc gia. Trong đó, duyệt binh có quy mô hoành tráng hơn nhiều so với diễu binh.
Chính phủ đã giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp chuẩn bị cho lễ diễu binh, duyệt binh kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 theo Nghị quyết 124.
Trước đó, lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975-30/4/2025) đã diễn ra tại TPHCM.
Vậy, sự khác biệt giữa diễu binh và duyệt binh là gì?
Dân trí đã có cuộc trao đổi với Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, để làm rõ vấn đề này.
Thượng tướng Hiệu nhấn mạnh, cả diễu binh và duyệt binh đều thể hiện sức mạnh quân sự của một quốc gia, với sự tham gia của lực lượng hải quân, lục quân, và phòng không - không quân.
Tuy nhiên, duyệt binh có quy mô lớn hơn đáng kể so với diễu binh.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (Ảnh: Nguyễn Hải).
Điểm khác biệt chính là diễu binh không có sự tham gia của các phương tiện và vũ khí quân sự.
Trong khi đó, duyệt binh có sự góp mặt của xe tăng, tên lửa, pháo binh,... đại diện cho các quân, binh chủng trong biên chế Quân đội nhân dân Việt Nam, cùng với khối quần chúng.
Thượng tướng Hiệu cho biết: "Duyệt binh khác diễu binh ở chỗ có đội hình phương tiện, vũ khí của quân đội như xe tăng, tên lửa,... thuộc các quân - binh chủng".
Về số lượng người tham gia, hàng ngang trong diễu binh có thể từ 7-10 người, còn trong duyệt binh có thể lên đến 15-20, thậm chí 30 người.
Do đó, mỗi khối trong diễu binh có thể chỉ từ 80 đến 110 người, nhưng trong duyệt binh có thể từ 200 đến 300 người. Việc tập luyện cho duyệt binh cũng đòi hỏi nhiều công sức hơn.
Thượng tướng Hiệu, người từng tham gia duyệt binh tại Quảng trường Ba Đình năm 1985, cho biết đội hình phương tiện, vũ khí trong duyệt binh thường đi đầu với xe tăng, tiếp theo là pháo binh (tên lửa, rada, xe thông tin, xe tác chiến điện tử,...).
"Diễu binh kết thúc bằng các khối đi duyệt đội ngũ và khối quần chúng. Duyệt binh phải đầy đủ từ con người đến vũ khí, phương tiện quân sự, tương tự như lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ tại Nga ngày 9/5", Thượng tướng Hiệu nói, đồng thời khẳng định cả hai hình thức đều có lực lượng phòng không - không quân tham gia.

Các lực lượng vũ trang tham gia hợp luyện chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (Ảnh: Dân trí).
Sau năm 1975, Việt Nam tổ chức lễ duyệt binh tại Quảng trường Ba Đình vào năm 1985.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhận định đây là cuộc duyệt binh lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, kỷ niệm 40 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh.
Lễ duyệt binh năm 1985 có sự tham gia của phòng không - không quân, xe tăng, pháo tự hành, tên lửa và các loại xe vận tải, huấn luyện,...
Việt Nam đã tổ chức bao nhiêu lần duyệt binh?
Theo từ điển tiếng Việt (GS Hoàng Phê),:
Diễu binh: Lực lượng vũ trang diễu qua lễ đài/đường phố, hàng ngũ chỉnh tề, biểu dương sức mạnh.
Diễu hành: Đoàn người diễu qua lễ đài/đường phố để biểu dương sức mạnh.
Duyệt binh: Kiểm tra đội ngũ lực lượng vũ trang, biểu dương sức mạnh quân sự trong buổi lễ long trọng.
Việt Nam đã có 3 lần tổ chức duyệt binh: năm 1955 tại Quảng trường Ba Đình (sau chiến thắng Điện Biên Phủ), ngày 15/5/1975 tại Sài Gòn (mừng thống nhất đất nước) và năm 1985 (kỷ niệm 40 năm Quốc khánh 2/9).