Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương an nghỉ tại quê nhà Quảng Ngãi
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Trưởng Ban Tổ chức lễ tang, cho biết lễ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã nhận được sự quan tâm sâu sắc từ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.
Thay mặt Ban Tổ chức và gia quyến, Phó Thủ tướng trân trọng cảm ơn các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, nhân dân và bạn bè quốc tế đã đến viếng, dự lễ truy điệu, gửi vòng hoa và tiễn đưa nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương về nơi an nghỉ cuối cùng.
Lễ an táng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Video: VTV
Trước đó, lễ truy điệu nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã được tổ chức trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; đồng thời diễn ra tại Hội trường Thống Nhất (TP HCM) và Hội trường T50, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi - quê hương của cố Chủ tịch.
Sau lễ truy điệu, linh xa đưa linh cữu nguyên Chủ tịch nước rời Nhà tang lễ Quốc gia, đi qua các tuyến phố Hà Nội ra sân bay Nội Bài để về Quảng Ngãi. Đến 14h15, đoàn xe nghi lễ đã đưa di ảnh cố Chủ tịch về nơi an nghỉ cuối cùng tại núi Dông Bồ, xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ.
14h15, đoàn xe nghi lễ đã đưa linh cữu nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương về nơi an nghỉ ở núi Dông Bồ, xã Phổ Khánh. Ảnh: Phạm Linh
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương từ trần lúc 22h51 ngày 20/5/2025 tại nhà riêng, hưởng thọ 88 tuổi. Ông sinh năm 1937 tại xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Ông là kỹ sư địa chất, giáo sư danh dự Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga (từ năm 2001); Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa 8; Ủy viên Bộ Chính trị khóa 9, Ủy viên Trung ương Đảng 5 khóa liên tiếp từ khóa 5 (dự khuyết) đến khóa 9; đại biểu Quốc hội các khóa 7, 8 và 10.
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương là một nhà lãnh đạo tận tụy, để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp. Trước khi giữ cương vị Chủ tịch nước (1997-2006), ông từng là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1987-1991) và Phó thủ tướng (1992-1997), phụ trách các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và xây dựng. Ông có đóng góp quan trọng vào việc xây dựng các đạo luật then chốt như Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Phá sản, Luật Đất đai, đặt nền móng cho kinh tế thị trường. Đặc biệt, ông thúc đẩy hợp tác với Nga trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng, đảm bảo thiết bị cho thủy điện Hòa Bình sau khi Liên Xô tan rã.
Trong vai trò Chủ tịch nước, ông Trần Đức Lương đã dẫn dắt Việt Nam hội nhập quốc tế, tổ chức thành công Hội nghị Pháp ngữ năm 1997 và đề xuất sáng kiến xóa đói giảm nghèo tại Liên Hợp Quốc năm 2000. Ông cũng chỉ đạo xây dựng Đề án bảo vệ Tổ quốc, đóng góp vào sự nghiệp quốc phòng và an ninh. Vốn là một kỹ sư địa chất, ông đồng chủ biên các công trình bản đồ địa chất Việt Nam, được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2005. Với phong cách lãnh đạo cẩn trọng, thẳng thắn, ông được tặng Huân chương Sao Vàng và Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng.
Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước tiễn nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương về nơi an nghỉ cuối cùng. Ảnh: Phạm Linh
Chia sẻ với VnExpress, ông Nguyễn Thanh Cải, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Hải Dương, nhớ lại những năm đầu công tác tại Cục Bản đồ Địa chất, ở cùng khu tập thể với Cục trưởng Trần Đức Lương. Ngay trong lần gặp đầu tiên, thay vì hỏi quê quán hay lý lịch, ông Lương đã đi thẳng vào chuyên môn: "Vùng tiếp giáp giữa Thái Nguyên và Tuyên Quang, mấy năm trước đội khảo sát địa chất mình phát hiện là vùng kiến tạo đa khoáng, đúng không?". Cuộc trò chuyện giữa hai người nhanh chóng đi sâu vào thảo luận về quặng thiếc, thạch anh, vonfram, parit, và cả những nghiên cứu của Viện Khoáng sản.
Trong khu tập thể ở Tân Quang (Mỹ Văn, Hải Hưng), ông Lương luôn là người làm việc muộn nhất. Buổi tối, ông thường đón tiếp các cán bộ từ các đoàn khảo sát Việt Bắc, Tây Bắc, miền Trung tới báo cáo. "Có hôm gần nửa đêm ông mới ăn cơm, nhưng ngay sau đó lại trải bản đồ, đánh dấu từng địa danh. Con trai ông - Trần Tuấn Anh - nhiều lần phải sang phòng tôi học bài khuya, và cũng quen với cách làm việc đến 11-12h đêm của bố", ông Cải kể.
Còn theo nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương là người có tầm nhìn chiến lược và sự hiểu biết sâu sắc về đối ngoại. Giai đoạn 2000-2006, Việt Nam bước vào giai đoạn quan trọng trong hội nhập quốc tế với chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Đây là thời kỳ mà Việt Nam đã có những bước đi chiến lược trong việc mở rộng quan hệ quốc tế, đồng thời củng cố vị thế trên trường quốc tế.
Nguyên Chủ tịch nước không chỉ tham gia vào các quyết định quan trọng mà còn có những chỉ đạo cụ thể đối với từng chuyến công du, cuộc tiếp đón nguyên thủ quốc gia, hoặc thậm chí từng bài phát biểu chính thức. Những hoạt động này đã tạo nền tảng vững chắc cho chiến lược ngoại giao hội nhập chủ động của Việt Nam trong những năm sau này.
Ông Trần Tuấn Anh, con trai nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương nhìn cha lần cuối. Ảnh: Phạm Linh
Một trong những dấu mốc quan trọng trong nhiệm kỳ của Chủ tịch nước Trần Đức Lương là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Bill Clinton năm 2000. Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam sau chiến tranh, trong bối cảnh dư âm chiến tranh vẫn còn in đậm trong tâm trí nhiều người dân và các cán bộ lão thành. Vấn đề đặt ra là làm sao thể hiện thiện chí hợp tác với Mỹ, đồng thời vẫn giữ vững sự tôn nghiêm dân tộc.
Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã chỉ đạo rất kỹ lưỡng từ lời nói, cử chỉ cho đến bài phát biểu chiêu đãi Tổng thống Clinton. Bài phát biểu được soát kỹ từng câu, thậm chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu lúc bấy giờ cũng tham gia rà soát để đảm bảo tinh thần hòa giải và hợp tác, đồng thời vẫn thể hiện được cảm xúc chính đáng của người dân Việt Nam. Chuyến thăm đã thành công tốt đẹp và để lại hình ảnh ấn tượng: Gia đình ông Clinton đứng trên bậc thang máy bay vẫy tay chào lưu luyến khi rời Việt Nam - một hình ảnh biểu tượng cho sự hòa giải và sự tự tin của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong các chuyến công du quốc tế, Chủ tịch nước Trần Đức Lương luôn thể hiện bản lĩnh và trí tuệ trong những tình huống bất ngờ. Một kỷ niệm mà ông Nguyễn Dy Niên nhớ mãi là trong chuyến thăm Na Uy, khi một nhóm người Việt đối lập tổ chức biểu tình ngay tại sân bay. Đây là tình huống khá căng thẳng, nhưng ông Trần Đức Lương rất bình tĩnh, chỉ đạo đoàn giữ phong thái điềm tĩnh và lịch sự.
"Chúng ta là quốc gia chiến thắng, chúng ta có thể không cần phải phản ứng gay gắt mà vẫn thể hiện được bản lĩnh quốc gia", ông Lương nói với cấp dưới. Chính cách ứng xử này "đã gây ấn tượng mạnh với dư luận quốc tế, cho thấy Việt Nam không chỉ mạnh mẽ mà còn đầy tự tin và kiên quyết".
Trong chuyến thăm Anh, ban đầu Thủ tướng Tony Blair chỉ sắp xếp cuộc gặp với Chủ tịch nước trong 20 phút để trao đổi xã giao. Tuy nhiên, khi ông Trần Đức Lương nêu ra các đề xuất hợp tác cụ thể về đầu tư, giáo dục, khoa học và công nghệ, cuộc gặp đã kéo dài tới 45 phút, khiến Thủ tướng Anh phải ngạc nhiên về sự chủ động và tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo Việt Nam.
Gia quyến và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người thân đi vòng quanh mộ nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Ảnh: Phạm Linh
Theo nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên, Chủ tịch nước Trần Đức Lương cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Ông là người tham gia trực tiếp vào quá trình bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, gia nhập ASEAN và thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ vào năm 1995. Những quyết sách này đã giúp Việt Nam vượt qua những khó khăn, mở rộng quan hệ và nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
Giai đoạn này cũng chứng kiến những nỗ lực mạnh mẽ trong việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và tổ chức các hội nghị quốc tế lớn, như Hội nghị Á-Âu (ASEM) và Cộng đồng Pháp ngữ, với sự đóng góp không nhỏ của Chủ tịch nước Trần Đức Lương.
Ông Trần Đức Lương luôn coi ngoại giao là công cụ quan trọng để phục vụ phát triển kinh tế. Một trong những trăn trở lớn nhất của ông là làm sao để ngoại giao giúp thu hút đầu tư, phát triển khoa học công nghệ, từ đó thúc đẩy phát triển đất nước. Ông đã thường chia sẻ với các đồng nghiệp trong ngành ngoại giao rằng: "Đất nước mình còn nghèo, ngoại giao phải làm tốt hơn nữa để thu hút đầu tư, học hỏi bạn bè, giúp dân mình sống khá lên". Đây là tư duy chiến lược mà ông luôn theo đuổi và khuyến khích các thế hệ làm ngoại giao kế tiếp.
Phạm Linh - Vũ Tuân