Mỹ chuyển bom tầm xa cho Ukraine
(Dân trí) - Mỹ chuẩn bị tiếp tục vận chuyển vũ khí tầm xa được gọi là bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB) tới Ukraine sau khi chúng được nâng cấp để tăng khả năng kháng nhiễu.

Bom tầm xa GLSDB của Mỹ (Ảnh: Reuters).
Các nguồn thạo tin ngày 13/3 cho hay, bom tầm xa GLSDB của Mỹ sẽ được chuyển cho Ukraine trong những ngày tới trong bối cảnh có thông tin Ukraine đã cạn kiệt nguồn cung cấp Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Quân đội (ATACMS) có tầm bắn tương tự.
Trong những tuần gần đây, 19 GLSDB đã được thử nghiệm để đánh giá hiệu quả của các bản nâng cấp. Một phần của những sửa đổi này bao gồm việc gia cố các kết nối bên trong vũ khí để tăng cường khả năng phục hồi của nó.
Việc tái triển khai GLSDB trên chiến trường có thể diễn ra trong những ngày tới. Lần gần đây nhất quân đội Ukraine sử dụng vũ khí này là cách đây nhiều tháng, nguồn thạo tin cho hay.
Mỹ viện trợ bom lượn cho Ukraine dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden. Washington đã mua gần 33,2 tỷ USD vũ khí và thiết bị quân sự mới cho Kiev trực tiếp từ các nhà thầu quốc phòng Mỹ và đồng minh.
Hoạt động gây nhiễu của Nga đã khiến nhiều bom GLSDB tầm xa tương đối mới của Ukraine không thể bắn trúng mục tiêu dự kiến.
Trong năm qua, Ukraine đã tìm kiếm các loại vũ khí có tầm bắn xa hơn so với rocket GMLRS do Mỹ cung cấp để có thể tấn công và phá vỡ các tuyến tiếp tế và điểm tập kết của Nga.
Đáp ứng kêu gọi đó, Boeing đã cung cấp cho Lầu Năm Góc một loại vũ khí mới có tầm bắn 161km có tên gọi GLSDB. Bom lượn này có cánh nhỏ giúp mở rộng phạm vi hoạt động, bao gồm bom đường kính nhỏ GBU-39 (SDB) và động cơ tên lửa M26, cả hai đều phổ biến trong kho vũ khí của Mỹ và tương đối rẻ. Tuy nhiên, hệ thống dẫn đường của GLSDB đã bị Nga gây nhiễu.
Hiện tượng gây nhiễu xảy ra khi một lượng lớn năng lượng được truyền vào một khu vực, làm quá tải tín hiệu của thiết bị. Nga đã sử dụng chiến thuật này với sóng vô tuyến, máy bay không người lái và thậm chí cả đạn pháo Excalibur 155mm có thể dẫn đường bằng GPS của Ukraine.
Thông tin về việc nối lại viện trợ bom tầm xa được đưa ra trong bối cảnh Ukraine cạn kiệt tên lửa tầm xa ATACMS.
ATACMS là loại tên lửa đạn đạo do Mỹ cung cấp, có tầm bắn lên tới 300km. Cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nới lỏng các hạn chế về việc Ukraine sử dụng ATACMS vào tháng 11/2024, cho phép Kiev sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga.
Từ cuối năm ngoái, Ukraine đã phải hạn chế sử dụng loại tên lửa này. Tình hình càng trở nên khó khăn hơn khi hồi đầu tháng Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh đóng băng toàn bộ viện trợ cho Ukraine.
Hôm 11/3, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã nhất trí nối lại viện trợ quân sự và chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine sau khi Kiev tuyên bố sẵn sàng chấp thuận đề xuất của Mỹ về kế hoạch ngừng bắn 30 ngày với Nga.