Kinh tế Gig: 'Phao cứu sinh' của Trung Quốc trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung

Ngành sản xuất của Trung Quốc đang đối mặt với sự tăng trưởng chậm lại từ đầu quý II, theo báo cáo chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 4 của S&P Global. Đáng chú ý, đơn hàng xuất khẩu mới suy yếu và số lượng việc làm tiếp tục giảm sau một đợt phục hồi ngắn trong tháng 3, đánh dấu tháng giảm thứ bảy trong vòng tám tháng gần nhất.

Theo ước tính của Ngân hàng Goldman Sachs, có khoảng 16 triệu lao động Trung Quốc làm việc trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ. Do đó, khi thương mại bị ảnh hưởng bởi các biện pháp thuế quan, việc làm của họ sẽ bị đe dọa. Ngân hàng Nomura dự báo rằng khoảng 5,7 triệu việc làm có thể bị mất trong ngắn hạn và 15,8 triệu trong dài hạn khi tác động tiêu cực lan rộng ra toàn bộ nền kinh tế.

Nhận thức được nguy cơ này, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu triển khai các biện pháp để giảm thiểu tác động. Tại cuộc họp Bộ Chính trị ngày 25/4, các quan chức cấp cao cam kết tăng hoàn thuế bảo hiểm thất nghiệp cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thuế quan.

Tuy nhiên, theo Economist, còn có một "vị cứu tinh" khác cho thị trường lao động Trung Quốc, đó chính là "nền kinh tế Gig" khổng lồ. Nền kinh tế này tạo cơ hội cho người dân tham gia vào các công việc tự do, linh hoạt, thường thông qua các nền tảng công nghệ như gọi xe và giao hàng.

Economist nhận định rằng thương chiến có thể thúc đẩy sự chuyển mình của nền kinh tế Gig, biến nó từ một lĩnh vực bị nghi ngờ thành một thị trường lao động trực tuyến lớn nhất thế giới, được nhà nước chấp thuận.

Tài xế giao đồ ăn của Meituan tại Thượng Hải ngày 14/1/2024. Ảnh: Reuters

Tài xế giao đồ ăn của Meituan tại Thượng Hải ngày 14/1/2024. Ảnh: Reuters

Chính phủ Trung Quốc hiện đang đặc biệt quan tâm đến kinh tế Gig vì quy mô lớn của nó. Theo Liên đoàn Lao động Toàn quốc Trung Quốc, có khoảng 84 triệu người phụ thuộc vào "các hình thức việc làm mới", bao gồm giao hàng và gọi xe. Trong khi đó, chính phủ đưa ra con số lên đến 200 triệu "lao động linh hoạt", bao gồm cả người làm tự do và lao động bán thời gian.

Cả hai con số này đều vượt xa con số 54 triệu việc làm tại các doanh nghiệp nhà nước ở thành thị, và chiếm một phần lớn trong lực lượng lao động 734 triệu người của Trung Quốc. Ví dụ, công ty giao hàng Meituan có 7,5 triệu tài xế giao hàng, chi trả tổng cộng khoảng 11 tỷ USD mỗi năm.

Ở tuổi 36, tài xế Wan kiếm được 10.000 nhân dân tệ (khoảng 1.375 USD) mỗi tháng từ công việc giao đồ ăn. Mỗi ngày, ông lái xe khắp Bắc Kinh từ 6 giờ sáng đến 9 giờ tối. "Hiện tại, từng xu đều quan trọng," ông chia sẻ.

Hình ảnh những người tài xế giao hàng đã trở nên quen thuộc trong xã hội Trung Quốc. Bộ phim "Upstream" gần đây, kể về một lập trình viên trung niên chuyển sang làm tài xế giao hàng, đã đưa nghề này lên màn ảnh rộng.

Cùng với việc giải quyết vấn đề việc làm, nền kinh tế Gig khổng lồ của Trung Quốc vẫn đang tiếp tục phát triển, bất chấp những căng thẳng thương mại và niềm tin tiêu dùng yếu kém kéo dài. Lực lượng lao động của Meituan đã tăng 41% so với năm 2021.

Vào tháng 3, ban lãnh đạo Meituan dự báo mức tăng trưởng tích cực cho cả dịch vụ giao đồ ăn và giao hàng thương mại điện tử. Doanh thu của công ty dự kiến sẽ tăng khoảng 15% mỗi năm cho đến năm 2027. Tương tự, số lượng giấy phép gọi xe đã tăng vọt từ 2,9 triệu năm 2020 lên 7,5 triệu năm 2024.

Các nhà chức trách càng trở nên ủng hộ hơn khi các nền tảng đang cạnh tranh gay gắt để giành thị phần, tăng cường tuyển dụng tài xế khi số lượng tuyển dụng từ các nhà máy giảm. Công ty thương mại điện tử JD, vừa gia nhập thị trường giao đồ ăn vào ngày 21/4, đã tuyên bố sẽ tuyển thêm 100.000 tài xế mới trước cuối tháng 7.

Việc JD tích cực tung ra các chương trình khuyến mãi và tăng chi phí nhân công đã khiến giới đầu tư lo ngại, dẫn đến sự sụt giảm giá cổ phiếu. Tuy nhiên, đối với các nhà quản lý, điều quan trọng hơn là tạo ra nhiều việc làm hơn và xây dựng một mạng lưới an sinh xã hội nhất định để đối phó với những rủi ro từ thương chiến.

Tác dụng "chữa bệnh" kỳ diệu của nền kinh tế Gig đã giúp các công ty công nghệ liên quan khôi phục vị thế trong mắt các nhà chức trách. Trong chiến dịch siết chặt quản lý năm 2020, các nền tảng này từng bị lên án là "sự mở rộng vô trật tự của tư bản". Các nhà lãnh đạo coi các công ty này như "lâu đài xây trên cát", theo Tilly Zhang từ công ty tư vấn Gavekal Dragonomics. Nhưng giờ đây, chính phủ Trung Quốc đã nhận ra rằng việc làm, tiêu dùng và các doanh nghiệp gig tạo ra cũng rất quan trọng.

Theo Economist, chính phủ Trung Quốc hiện đã công khai ủng hộ nền kinh tế Gig như một tấm đệm chống sốc cho nền kinh tế. Ngày 17/2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã triệu tập một "đội hình tiên phong" từ khu vực tư nhân.

Bên cạnh các tập đoàn ô tô và điện tử, nhiều doanh nhân từng phải ẩn mình đã được mời đến những vị trí trang trọng nhất. Tại Đại lễ đường Nhân dân, Jack Ma (Alibaba) và Pony Ma (Tencent) - hai doanh nhân từng là tâm điểm của chiến dịch siết chặt quản lý khu vực tư nhân - cũng ngồi ở hàng đầu. Nhà sáng lập Meituan Vương Hưng ngồi ở hàng thứ hai.

Trước đó, sự thay đổi trong quan điểm về kinh tế Gig đã bắt đầu từ năm 2023, khi Thủ tướng Lý Cường ca ngợi vai trò "ngày càng nổi bật" của các công ty nền tảng gọi xe, giao hàng và thương mại điện tử trong việc thúc đẩy nhu cầu và tạo việc làm.

Tuy nhiên, thị trường lao động trong nền kinh tế Gig vẫn còn những hạn chế. Tờ Yicai Global cho biết năm ngoái, tòa án Thượng Hải đã xử lý hơn 1.220 vụ tranh chấp lao động liên quan đến "các hình thức tuyển dụng mới".

Điều này cho thấy luật lao động hiện hành thiếu các định nghĩa pháp lý rõ ràng cho nền kinh tế Gig, khiến những người làm việc linh hoạt như tài xế giao hàng khó bảo vệ quyền lợi của mình, theo Jia Yu, Chánh án Tòa án Nhân dân cấp cao Thượng Hải.

Các vụ kiện giữa tài xế giao đồ ăn và các nền tảng thường xuất phát từ các vấn đề như việc các nền tảng thường tuyển dụng tài xế thông qua một đơn vị trung gian để tránh trách nhiệm với người lao động. Phần lớn tài xế không ký hợp đồng lao động, số ít đóng bảo hiểm xã hội và nhiều người phải vật lộn để xác định mối quan hệ lao động của họ. Ngoài ra, còn có những tranh cãi về tính minh bạch của cơ cấu hoa hồng.

Theo ông Yin, luật lao động của Trung Quốc chủ yếu được thiết kế để phục vụ cho những người lao động có hợp đồng truyền thống, khiến việc giải quyết các đặc điểm và nhu cầu của người lao động trong nền kinh tế này trở nên khó khăn.

Bằng việc ủng hộ nền kinh tế Gig, chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích các công ty theo hình thức này phát triển hệ thống an sinh nhằm giải quyết vấn đề. Tháng 2 vừa qua, JD đã cung cấp bảo hiểm xã hội cho tài xế của mình. Meituan cũng cho biết sẽ "từng bước" triển khai bảo hiểm xã hội cho tài xế, bắt đầu từ chương trình thí điểm vào quý II/2025.

Mong muốn ghi điểm với chính phủ, các công ty còn đầu tư vào trạm nghỉ, bữa ăn và trợ cấp cho tài xế "để chính phủ nhìn thấy", theo lời một nhà kinh tế. Tuy nhiên, câu hỏi lớn là ai sẽ trả phí cho hệ thống an sinh mà các công ty thuộc lĩnh vực này đang triển khai. Lương hưu và bảo hiểm y tế nếu bị trừ trực tiếp hoặc gián tiếp từ thu nhập của tài xế thì sẽ không còn hấp dẫn nữa.

JD khẳng định sẽ chịu trách nhiệm chi trả toàn bộ khoản bảo hiểm xã hội, bao gồm cả phần công ty phải đóng và phần lẽ ra người lao động tự đóng, vào hệ thống bảo hiểm nhà nước. Nhưng hoài nghi vẫn không dứt. Nhiều tài xế khi được hỏi về chương trình này đã nói "lông vẫn lấy từ lưng cừu mà ra", ý nói chẳng có gì là miễn phí.

Tại thành phố Tuyền Châu, nơi Meituan mới triển khai chương trình thí điểm hoàn lại một nửa phí đóng lương hưu cho tài xế đủ điều kiện, Lai (30 tuổi) nói rằng anh không quan tâm. "Khi chúng tôi già đi, lực lượng lao động sẽ còn ít hơn, và khoản đóng bảo hiểm xã hội khi đó sẽ không đủ để sống," anh nói.

Các nhà kinh tế cho rằng nếu gánh nặng xã hội đặt lên vai các công ty Gig quá lớn, họ có thể không trụ nổi về mặt tài chính, đó cũng là lý do khiến giá cổ phiếu của họ đang lao dốc. Vì vậy, nhà nước nên bảo vệ tính linh hoạt của người lao động Gig và xem xét hỗ trợ tài chính gián tiếp cho họ.

Các công việc như tài xế giao hàng còn được mô tả là nặng nhọc, tiếng Trung gọi là "guodu". Trả lời phỏng vấn của Reuters tại Thượng Hải vào tháng 8/2024, một tài xế họ Lin (37 tuổi) nói rằng đây "không phải là ngành dành cho người bình thường". "Bạn phải chạy đua với thời gian. Đôi khi, chỉ trong một hoặc hai phút cuối trước khi đơn hàng quá hạn, bạn phải chạy đua với mạng sống của mình," ông nói.

Về lâu dài, công nghệ cũng là một mối đe dọa đối với khả năng tạo việc làm của nền kinh tế Gig. Meituan đang tiên phong sử dụng phương tiện tự hành và máy bay không người lái để giao hàng. Công ty cho biết đã hoàn thành lần lượt 4,9 triệu và 1,45 triệu đơn hàng bằng các phương tiện này.

Dù sao đi nữa, đến nay, kinh tế Gig vẫn là một ví dụ cho thấy cuộc chiến thương mại đang buộc các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải thích nghi, theo Economist. Họ có thể mơ về một đội ngũ công nhân công nghệ cao sản xuất chip bán dẫn, nhưng đồng thời, họ còn sở hữu một "đội quân công nghệ thấp" đang lao vun vút trên những chiếc xe tay ga để giao đồ ăn cho người tiêu dùng. Chính điều đó giúp nền kinh tế của họ tiếp tục vận hành.

Sau một năm làm công việc giao hàng, tài xế Lai tại Tuyền Châu cho biết anh sẽ đầu quân cho xưởng sản xuất của người thân ở Nghĩa Ô để bán hàng trên Amazon. Anh đoán rằng cuộc chiến thương mại sắp kết thúc. Nhưng nếu anh sai, anh sẽ quay trở lại làm tài xế.

Phiên An (theo Economist, Yicai, Reuters)