|
Vào 15h ngày 30/4/1975, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã xuất hiện trên sóng Đài phát thanh Sài Gòn, truyền đi thông điệp kêu gọi người dân miền Nam ủng hộ Chính phủ Cách mạng lâm thời. Ông nhấn mạnh rằng thống nhất đất nước là khát vọng cháy bỏng của dân tộc trong suốt nhiều thập kỷ, đồng thời khuyến khích mọi người ở lại, chung tay xây dựng một Việt Nam mới.
Ngay sau đó, Trịnh Công Sơn, cùng với Nguyễn Hữu Thái (cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn) và nhiều thanh niên khác, đã cùng nhau cất vang bài hát Nối vòng tay lớn trên sóng phát thanh. Ca khúc này đã trở thành bài hát đầu tiên được phát trên Đài phát thanh Sài Gòn trong ngày lịch sử trọng đại.
Giá trị và ý nghĩa của bài hát còn được khẳng định khi nó được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông, trở thành một phần trong sách giáo khoa Âm nhạc và Mỹ thuật lớp 9.
Bài Nối vòng tay lớn được giới thiệu trong sách giáo khoa Âm nhạc và Mỹ thuật lớp 9. |
'Nối vòng tay lớn': Bài ca của thống nhất và hòa bình
Bài hát mang tiết tấu nhanh, mạnh mẽ, đậm chất hành khúc nhưng vẫn giữ được sự trữ tình đặc trưng trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Với giai điệu thôi thúc và tinh thần cộng đồng, Nối vòng tay lớn thường được cất vang trong những sự kiện tập thể, khơi gợi cảm xúc gắn kết và niềm tự hào dân tộc.
Lời ca sử dụng những hình ảnh giản dị, gần gũi nhưng lại chứa đựng sức gợi lớn, mang tính biểu tượng cao, như “rừng núi giang tay nối lại biển xa” hay “ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà”, qua đó thể hiện khát vọng thống nhất ba miền Bắc - Trung - Nam và tinh thần hòa hợp dân tộc sau nhiều năm chia cắt.
|
Bìa cuốn sách Trịnh Công Sơn một nhạc sĩ thiên tài. Ảnh: Neta. |
Frank Gerken, một nhà nghiên cứu Đông Nam Á học người Đức, người yêu mến và thuộc nhiều ca khúc của Trịnh Công Sơn, đã chia sẻ rằng, không chỉ riêng bài hát này, mà trong nhiều sáng tác khác, Trịnh Công Sơn đã thể hiện khát vọng lớn nhất của mình: một đất nước thống nhất, hòa bình và tình yêu thương lan tỏa đến mọi người, để cả dân tộc đoàn kết, cùng nhau xây dựng một xã hội mới công bằng. Nhạc sĩ mong muốn trên đất nước sẽ "không còn chiến tranh, không còn sự chết chóc, không còn thù hằn, đau khổ".
Nhà văn Bửu Ý gọi Trịnh Công Sơn là con người của "ba miền", và cho rằng khi một cá nhân không chỉ nghĩ về một địa phương mà là toàn bộ đất nước, người ấy sẽ có một tư duy rộng mở, sẵn sàng đón nhận và suy nghĩ ở tầm cao hơn, sẵn sàng hòa mình vào cái toàn thể.
Không phải ai cũng sẵn lòng quên đi quê hương nhỏ bé của mình để hướng đến một ý nghĩa lớn lao hơn, bao trùm hơn, nhưng Trịnh Công Sơn đã vượt qua được những giới hạn đó. Do hoàn cảnh gia đình, Trịnh Công Sơn đã trải qua tuổi thơ ở nhiều vùng đất khác nhau, từ Buôn Ma Thuột, Huế, Sài Gòn, đến Đà Lạt và Hà Nội. Theo Bửu Ý, chính sự đa dạng về văn hóa và địa lý này đã tạo nên khả năng hòa hợp đặc biệt trong con người Trịnh Công Sơn, như ông viết trong cuốn sách Trịnh Công Sơn một nhạc sĩ thiên tài.
Trịnh Công Sơn: Thi sĩ của tình yêu và hòa bình
Trong mắt Gerken, Trịnh Công Sơn là một "con người đa diện", một "người hát rong về quê hương, tình yêu và số phận con người", một "thi sĩ của tình yêu và hòa bình", và trên hết, một người có lương tâm sâu sắc. Thông qua những ca khúc viết về chiến tranh, ông đã lên án sự bất công, những đau khổ, mất mát và kinh hoàng của chiến tranh, cũng như nỗi đau của những người mất đi người thân yêu, mà không cần trực tiếp chỉ trích hay nêu tên bất kỳ ai.
Chính vì lẽ đó, Trịnh Công Sơn đã trở thành biểu tượng của những người yêu nước, yêu hòa bình, và của những sinh viên tham gia phong trào phản đối chiến tranh và chế độ cũ, theo lời Gerken.
Trịnh Công Sơn (28/2/1939 - 1/4/2001) là một nhạc sĩ, nhà thơ và họa sĩ tài hoa, một trong những tên tuổi lớn nhất của nền tân nhạc Việt Nam. Ông sinh ra tại Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, nhưng quê gốc ở huyện Hương Trà, Thừa Thiên - Huế.
Trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của mình, Trịnh Công Sơn đã để lại hơn 600 ca khúc với đa dạng chủ đề, từ tình yêu, tình bạn, đến lòng yêu đời và những suy tư về con người. Những nhạc phẩm nổi tiếng của ông như Diễm xưa, Hạ trắng, Tuổi đá buồn, Gia tài của mẹ, Để gió cuốn đi... không chỉ được yêu thích trong nước mà còn lan tỏa ra thế giới, với hàng triệu bản thu âm đã được bán ra tại Nhật Bản.
Nhà văn John C. Schafer đã so sánh ông với tượng đài âm nhạc Bob Dylan trong các cuốn sách Trịnh Công Sơn và Bob Dylan - Một đối chiếu về tôn giáo, chiến tranh và tình yêu và Trịnh Công Sơn và Bob Dylan - Như trăng và nguyệt? Năm 2019, Trịnh Công Sơn là người Việt Nam đầu tiên được vinh danh trên Google Doodle.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.