Hợp nhất Thái Bình - Hưng Yên: Vì sao chọn tên Hưng Yên?
Quyết định sử dụng tên "Hưng Yên" sau hợp nhất được đánh giá là phù hợp với quy hoạch phát triển thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai.
UBND tỉnh Hưng Yên và UBND tỉnh Thái Bình đang tiến hành lấy ý kiến nhân dân về dự thảo đề án hợp nhất hai tỉnh. Điểm đáng chú ý là tên gọi của tỉnh mới sau sắp xếp được thống nhất là "Tỉnh Hưng Yên", một quyết định thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận.
Hợp nhất để tạo động lực phát triển

Một góc đô thị tại TP Hưng Yên (Ảnh: Nguyễn Dương).
Đề án hợp nhất được xây dựng dựa trên việc nhập toàn bộ diện tích và dân số của cả hai tỉnh: Hưng Yên (930,20km2, hơn 1,4 triệu dân) và Thái Bình (1.584,61km2, hơn 2 triệu dân).
Sau sáp nhập, tỉnh mới sẽ có tổng diện tích 2.514,81km2 và quy mô dân số trên 3,5 triệu người, vượt 255% so với tiêu chuẩn tối thiểu, trong khi diện tích đạt gần 72%.
Việc hợp nhất không chỉ đáp ứng các tiêu chí về diện tích và dân số mà còn xuất phát từ các yếu tố lịch sử, văn hóa, địa chính trị và tiềm năng phát triển vùng.
Hưng Yên và Thái Bình có nhiều điểm tương đồng về tự nhiên, văn hóa và phong tục tập quán. Cả hai đều là vùng đất giàu truyền thống cách mạng.
Tỉnh sau sắp xếp sẽ trở thành một trung tâm kinh tế tổng hợp, kết hợp nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, tận dụng lợi thế địa lý, giao thông và đầu tư để trở thành vùng phát triển trọng điểm ở đồng bằng Bắc Bộ.
Lý do chọn tên gọi "Hưng Yên"

Một góc TP Thái Bình (Ảnh: Đức Văn).
Tại sao lại chọn tên "Hưng Yên" thay vì một tên gọi mới?
Đề án giải thích rằng việc chọn tên "Hưng Yên" là sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố lịch sử, truyền thống, nhận diện địa danh và hiệu quả hành chính.
Hưng Yên là địa danh có từ thời vua Minh Mạng (1831), gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng và được biết đến là vùng đất văn hiến, khoa bảng.
Qua hàng trăm năm, tên Hưng Yên đã khẳng định vị thế trên bản đồ hành chính quốc gia, gắn liền với các giá trị văn hóa, giáo dục, thương mại và công nghiệp. Việc giữ lại tên này giúp duy trì tính liên tục của lịch sử và mang lại sự ổn định trong quá trình chuyển đổi hành chính, giảm thiểu xáo trộn về con dấu, hồ sơ pháp lý và giấy tờ cá nhân.
Hơn nữa, Hưng Yên nằm ở vị trí trung tâm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, kết nối Hà Nội với các tỉnh duyên hải. Việc sử dụng tên "Hưng Yên" phù hợp với định hướng quy hoạch thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai.
Trung tâm hành chính đặt tại Hưng Yên
Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh mới sẽ đặt tại Hưng Yên. Vị trí này thuận lợi vì gần Hà Nội, kết nối trực tiếp với các trục giao thông quan trọng và có hệ thống đường thủy qua sông Hồng. Đây cũng là khu vực đang phát triển mạnh về công nghiệp và dịch vụ, thu hút nhiều nhà đầu tư, có tỷ lệ đô thị hóa cao và cơ sở hạ tầng đầy đủ.

Khu vực đặt trụ sở các cơ quan nhà nước của tỉnh Hưng Yên (Ảnh: Nguyễn Dương).
Vị trí trung tâm này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, giao dịch hành chính và phục vụ người dân một cách hiệu quả.
Việc hợp nhất Hưng Yên và Thái Bình thành một tỉnh mới mang tên "Hưng Yên" là bước chuyển mình chiến lược nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, mở rộng không gian phát triển và xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu quả.