Học viện Ngoại giao: Thay đổi phương thức xét tuyển năm 2025 - Không còn phỏng vấn
Năm 2025, Học viện Ngoại giao có nhiều điều chỉnh trong phương án tuyển sinh, đáng chú ý là việc loại bỏ phương thức xét tuyển bằng phỏng vấn và mở rộng các tổ hợp xét tuyển.
Học viện Ngoại giao vừa công bố phương án tuyển sinh dự kiến cho năm 2025, mang đến nhiều thay đổi quan trọng. Một trong số đó là việc tăng số lượng tổ hợp xét tuyển (ví dụ: D09, D10, D14, D15) giúp thí sinh có thêm lựa chọn phù hợp với năng lực của mình.
Đặc biệt, Học viện bổ sung phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và điểm thi tốt nghiệp THPT, mở rộng danh mục chứng chỉ quốc tế được chấp nhận (bao gồm PTE-A). Điểm xét tuyển sẽ được làm tròn đến hai chữ số thập phân và quy về thang điểm 30.
Nhà trường xét tuyển theo ngành, ưu tiên thí sinh có điểm xét tuyển cao nhất đến khi đủ chỉ tiêu. Thí sinh được xét bình đẳng, không phân biệt thứ tự nguyện vọng, trừ trường hợp bằng điểm, Học viện sẽ áp dụng tiêu chí phụ.

Sinh viên Học viện Ngoại giao (Ảnh: Nhà trường cung cấp).
Thí sinh chỉ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất đã đăng ký. Điểm xét tuyển được làm tròn đến hai chữ số thập phân và quy về thang điểm 30.
Học viện sẽ đánh giá chất lượng thí sinh trúng tuyển theo các phương thức và tổ hợp xét tuyển, sau đó quy đổi tương đương điểm trúng tuyển giữa các phương thức.
Thí sinh có thể đăng ký nhiều phương thức xét tuyển nếu đáp ứng đủ điều kiện, nhưng phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là cao nhất).
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ được công bố cụ thể trong Đề án tuyển sinh năm 2025 của Học viện.
Năm 2025, Học viện Ngoại giao áp dụng 4 phương thức xét tuyển:
Phương thức 1: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Phương thức 2: Xét tuyển kết hợp kết quả học tập THPT và chứng chỉ quốc tế/bài thi chuẩn hóa năng lực quốc tế.
Phương thức 3: Xét tuyển kết hợp kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và chứng chỉ quốc tế/bài thi chuẩn hóa năng lực quốc tế.
Phương thức 4: Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Với phương thức 2, ngoài các điều kiện chung, thí sinh cần có điểm trung bình cộng 6 học kỳ lớp 10, 11, 12 từ 8.0 trở lên.


Bảng quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ của Học viện Ngoại giao năm 2025 (Ảnh: M. Hà).
Thí sinh cần có một trong các chứng chỉ quốc tế/bài thi chuẩn hóa năng lực quốc tế còn hiệu lực đến ngày nộp hồ sơ, cụ thể:
Tiếng Anh: IELTS Academic từ 6.0, TOEFL iBT từ 60, PTE-A từ 46, Cambridge English Qualifications từ 169, SAT từ 1200, hoặc ACT từ 23.
Tiếng Pháp: DELF-B1 trở lên hoặc TCF tout public (5 bài thi) xếp loại chung từ B1 trở lên.
Tiếng Trung Quốc: HSK 4 (từ 260 điểm) trở lên.
Tiếng Hàn Quốc: Topik 3 trở lên.
Tiếng Nhật Bản: N3 trở lên.
Công thức tính điểm xét tuyển (tối đa 30 điểm): Điểm xét tuyển = A + B + C + D. Trong đó:
A: Điểm quy đổi chứng chỉ quốc tế/bài thi chuẩn hóa năng lực quốc tế.
B: Tổng điểm trung bình cộng 02 môn khác môn ngoại ngữ (phải có Toán hoặc Ngữ văn) trong tổ hợp xét tuyển của Học viện, tính trên 6 học kỳ lớp 10, 11, 12.
C: Điểm khuyến khích cho thí sinh đạt giải học sinh giỏi THPT (nếu có).

D: Điểm ưu tiên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (nếu có).
Ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, Học viện không sử dụng kết quả miễn thi ngoại ngữ, kết quả điểm thi được bảo lưu từ các năm trước, và không cộng điểm ưu tiên thí sinh có chứng chỉ nghề.
Điểm xét tuyển của phương thức này được tính như sau:
Điểm xét tuyển (tối đa 30 điểm) = A + B + C, trong đó:
A: Tổng điểm 3 môn thi trong tổ hợp xét tuyển của Học viện.
B: Điểm khuyến khích của Học viện đối với thí sinh đạt giải Học sinh giỏi THPT (nếu có).
C: Điểm ưu tiên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (nếu có).

Mức điểm cộng khuyến khích của Học viện Ngoại giao (Ảnh: M. Hà).
Lưu ý về điểm ưu tiên: Điểm ưu tiên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (đối tượng, khu vực) áp dụng theo Quy chế tuyển sinh hiện hành. Chính sách ưu tiên khu vực chỉ áp dụng cho thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2024 và 2025. Điểm khuyến khích của Học viện tối đa 0.8 điểm. Tổng điểm xét tuyển không vượt quá 30.