Mô hình cầu Hiền Lương do học sinh lớp 3 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm thực hiện, trưng bày tại thư viện trường - Ảnh: H.H.
Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP.HCM) tổ chức chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025) từ đầu tháng 4-2025.
Học sinh viết tiếp câu chuyện hòa bình
"Nửa thế kỷ trôi qua, đất nước ta đổi mới, những cánh đồng xanh, những tòa nhà cao tầng mọc lên, minh chứng cho một Việt Nam mạnh mẽ. TP.HCM có tuyến metro hiện đại. Chúng em được đến trường, sống trong bình yên và hạnh phúc.
Nhìn lại chặng đường đã qua, em cảm thấy tự hào và biết ơn. Tuổi trẻ của chúng em được đổi bằng tuổi xuân của bao thế hệ đi trước.
50 năm thống nhất, nước ta đang vươn mình. Em hiểu rằng cần nỗ lực học tập, rèn luyện, bởi tuổi trẻ chúng em mang niềm tự hào dân tộc và trách nhiệm lớn lao - giữ gìn, bảo vệ và làm rạng danh Việt Nam".
Bài viết cảm xúc trên là của Hoàng Phúc Lan Anh, học sinh lớp 4/1, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đó là một trong nhiều bài viết của học sinh trong tháng 4 lịch sử này.
Cô Đỗ Ngọc Chi, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho biết: "Từ đầu tháng 4, nhà trường đã tổ chức chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mục đích không chỉ tạo sân chơi, tăng cường trải nghiệm mà còn khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc và tinh thần trách nhiệm công dân của học sinh".
Ngày hội non sông
Học sinh hào hứng với trò chơi vận động tại Ngày hội non sông - Ảnh: H.H.
Ngoài phát động học sinh viết theo chủ đề, tìm hiểu các địa điểm, sự kiện lịch sử rồi làm mô hình, thuyết trình, xem phim tài liệu Ngày vui đại thắng, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm còn tổ chức Ngày hội non sông cho học sinh trải nghiệm.
Điểm nhấn của ngày hội là chuỗi 15 trạm hoạt động với chủ đề "Công dân nhí Nguyễn Bỉnh Khiêm - trải nghiệm và hội nhập". Các trò chơi được thiết kế công phu, lồng ghép giáo dục lịch sử và nâng cao kỹ năng công dân số cho học sinh.
Ngày hội có nhiều trạm mang đậm dấu ấn lịch sử, tái hiện hình ảnh các chiến sĩ và hoạt động trong kháng chiến như: "Em là tình báo tài ba" với các mật thư về sự kiện ngày 30-4-1975; "Chiến sĩ tí hon" với tạo hình chú bộ đội; "Vượt hầm - Ném bom tiêu diệt địch"; "Vượt sông - Tấn công giành chiến thắng"; "Chiến sĩ du kích"; "Chiến sĩ truyền tin"; "Mảnh ghép lịch sử" - ghép tranh về ngày thống nhất…
Học sinh tham gia sẽ được hóa thân thành bộ đội, trải nghiệm khó khăn, thử thách và tinh thần dũng cảm của Bộ đội Cụ Hồ.
Trò chơi "truyền tin" kết hợp giữa lịch sử và STEM - Ảnh: H.H.
Bên cạnh đó, các trạm như "Chiến sĩ AI", "Đấu trường Robot", "Thử thách vẽ tranh cùng AI" thể hiện sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, trang bị cho các công dân nhí kỹ năng cần thiết của thời đại số.
"Qua những câu chuyện lịch sử, em hiểu rằng hòa bình và hạnh phúc mà chúng em có được đánh đổi bằng nước mắt, xương máu của cha ông.
Thế hệ đi trước đã chiến đấu dũng cảm và hy sinh để trao cho chúng em một cuộc sống tự do, được học tập, vui chơi và khôn lớn. Em rất biết ơn những gì mình được đón nhận.
Em tự hứa sẽ cố gắng học tập, làm theo 5 điều Bác Hồ dạy, trở thành người con hiếu thảo, người học trò tốt" - Trần Ngọc Hương Thảo, học sinh lớp 4/2, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, viết.
Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm thi rung chuông vàng tìm hiểu về Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025) - Ảnh: H.H.
Các em học sinh hào hứng với trò chơi vượt hầm - Ảnh: H.H.
Trò chơi Mảnh ghép lịch sử thu hút rất đông học sinh tham gia - Ảnh: H.H.