Hành trình đến Việt Nam của con trai cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Tìm lời giải cho thất bại của cha
Craig McNamara, con trai của "kiến trúc sư trưởng" cuộc chiến tranh Việt Nam Robert McNamara, đã đến Việt Nam để tìm hiểu nguyên nhân thất bại của cha mình và những ám ảnh chiến tranh dai dẳng.
"Cha tôi đã lún sâu vào vòng xoáy dối trá"
Giữa nghĩa trang Trường Sơn, ông Craig McNamara nghẹn ngào xúc động khi đặt những bông cúc vàng lên hàng nghìn ngôi mộ liệt sĩ. Dừng lại trước một ngôi mộ có bia ghi năm sinh 1950, ông không kìm được nước mắt trước sự hy sinh lớn lao của một người thanh niên cùng tuổi.
Ông Craig McNamara, một nông dân trồng hạnh nhân, óc chó và ô liu ở California, Mỹ, tuy sống cách xa Việt Nam nửa vòng trái đất nhưng lại có mối liên hệ mật thiết với cuộc chiến tranh Việt Nam.
Ông là con trai của Robert McNamara, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, người được mệnh danh là "kiến trúc sư trưởng" của cuộc chiến. Những hành động của cha trong cuộc chiến đã ám ảnh ông từ khi còn trẻ.
Craig McNamara là nhân vật chính trong bộ phim tài liệu Cuộc đọ sức của ý chí do Ban Truyền hình Đối ngoại - Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tập 1 đã lên sóng ngày 25/4 và tập 2 sẽ phát sóng ngày 30/4 trên VTV1.

Ông Craig McNamara, con trai của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara (Ảnh: VTV).
Bộ phim tài liệu Cuộc đọ sức của ý chí kể về hành trình Craig McNamara tìm kiếm trong các kho lưu trữ, phỏng vấn các nhân chứng và đến nhiều vùng đất ở Việt Nam để tìm ra yếu tố X - yếu tố bí ẩn về quân đội và nhân dân Việt Nam - mà cha ông đã không thể tính toán trong các phép tính chiến tranh, dẫn đến kết cục cay đắng.
Trong nhiệm kỳ từ 1961 đến 1968, Robert McNamara đã chỉ đạo cuộc chiến tại Việt Nam.
"Từ chiếc ghế này, cha tôi đã đưa ra những quyết định thay đổi ông mãi mãi, thay đổi tôi mãi mãi, thay đổi quốc gia và cả thế giới này", ông Craig chia sẻ.
Ông cũng đặt câu hỏi: "Vào tháng 5/1995, cha tôi nói rằng: 'Chúng tôi đã sai, một sai lầm khủng khiếp và chúng tôi nợ các thế hệ tương lai một lời giải thích tại sao…'. Nhưng cha ơi, cha đã bao giờ đến Việt Nam để hỏi người dân Việt Nam tại sao hay chưa? Tại sao chúng ta sai? Tại sao người Việt Nam lại có khát vọng thống nhất Tổ quốc mạnh mẽ như vậy?".
Hành trình đến Việt Nam lần này là để ông Craig lắng nghe, học hỏi và tìm câu trả lời cho những câu hỏi đó.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara (Ảnh: Chụp màn hình).
Đầu thập niên 60, Tổng thống John F. Kennedy khẳng định "nước Mỹ tiếp tục không đội trời chung với khối cộng sản và khối Xô Viết". Mỹ xem miền Nam Việt Nam là "lá chắn để ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản lan rộng ở Đông Nam Á" và đẩy mạnh chạy đua vũ trang tại Việt Nam.
Ông Craig kể rằng cha ông được Tổng thống John F. Kennedy mời làm Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ và trung thành phục vụ hai đời Tổng thống trong suốt 8 năm.
Robert McNamara, khi đó là chủ tịch mới của Ford Motor Corporation, được miêu tả là người "xuất sắc, chiến lược, đầy tính toán", "thông minh và chuyên nghiệp".
Với góc nhìn của một nhà kinh tế tài năng, ông đã cải tổ toàn diện quân đội Hoa Kỳ, hiện đại hóa đến mức tối tân cho tất cả các quân chủng, mở rộng quy mô quân đội, cắt giảm những gì lỗi thời và kém hiệu quả.
Ông coi trọng dữ liệu và số liệu, luôn nhấn mạnh với cấp dưới rằng chỉ cần dữ liệu là có thể xây dựng chiến lược quân sự cần thiết tại Việt Nam.
Sau khi dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam, Mỹ bảo trợ chính quyền này bằng cách cung cấp vũ khí và gửi hàng nghìn cố vấn quân sự.
Bộ máy của Robert McNamara đưa ra hai kế hoạch Staley và Taylor, làm nền tảng cho một cuộc chiến tranh đặc biệt với hai chiến lược chính: tăng cường cung cấp vũ khí hiện đại và huấn luyện cho quân đội Sài Gòn tiến hành các cuộc càn quét, đàn áp lực lượng cách mạng và cưỡng ép người dân vào các ấp chiến lược.
Dựa trên số liệu gửi về, bộ máy của Robert McNamara ngạo mạn đặt mục tiêu bình định hoàn toàn miền Nam Việt Nam chỉ trong vòng 18 tháng.
Tuy nhiên, dữ liệu mà Robert McNamara nhận được lại hoàn toàn sai lệch. Ông cho rằng Mỹ đang "làm rất tốt trong cuộc chiến" và tin rằng Mỹ "đang thắng".
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ tự tin vào kế hoạch hiếu chiến của mình mà bỏ qua yếu tố X - cảm xúc con người. Trong khi Thiếu tướng Edward Lansdale - phụ trách CIA miền Nam Việt Nam - cho rằng yếu tố X là quan trọng nhất.
Theo giáo sư Fredrik Logevall - người đoạt giải Pulitzer với cuốn sách Embers of War: The Fall of an Empire - yếu tố X mà McNamara không bao giờ tính được chính là ý chí ngoan cường bất khuất của người Việt Nam.
Cú sốc đầu tiên mà Robert McNamara gặp phải tại Việt Nam là trận Ấp Bắc năm 1963. Tại đây, Mỹ tự tin sẽ "nghiền nát" quân du kích bằng trực thăng và xe thiết giáp, nhưng lại bị đánh tan tác. Bộ binh tan rã, máy bay bốc cháy và xe thiết giáp M113 phải dừng bước trước những trái thủ pháo đơn sơ làm từ hộp cá mòi.

Robert McNamara đã bỏ qua yếu tố X khi đưa ra các chiến lược (Ảnh: Chụp màn hình).
Nhà báo Frances Fitzgerald, người đến Việt Nam năm 1966, cho rằng: "Dường như điều mà người Mỹ không hiểu, đó chính là người Việt Nam thế nào, đó là cuộc chiến tranh nhân dân, đó là lý do bộ đội có thể chống lại đối phương dựa vào những ngôi làng và người dân ở đó".
"Cha tôi là một người rất thông minh, nhưng dù ông có thông minh đến đâu cũng không thể hiểu được cách truyền tin đặc biệt với chiếc đèn dầu. Quân đội Mỹ có thể có tất cả sức mạnh quân sự, bom đạn, nhưng quân giải phóng đã xuất phát từ nhân dân, đứng trong lòng nhân dân. Đó là sức mạnh vô song dẫn đến thành công", ông Craig bày tỏ.
Robert McNamara từng điều sư đoàn Kỵ binh bay số 1 sang Việt Nam triển khai lối đánh mới: "tác chiến đường không, đổ quân chớp nhoáng, truy kích tốc độ cao, dồn ép và tiêu diệt đối phương từ trên không", nhưng đã thất bại.
Ông Craig ước rằng cha mình đã đến Gia Lai, gặp những cựu chiến binh tham gia chiến dịch Plei Me, trận đánh Ia Đrăng để lắng nghe và hiểu ra sai lầm của mình.
Trận đánh này khiến Robert McNamara phải đối mặt với sự thật rằng "sức mạnh quân sự của du kích Việt Cộng vẫn tăng lên".
Trong chuyến thị sát tháng 11/1965, Robert McNamara đã hoài nghi về hiệu quả chiến lược của Mỹ, nhưng khi xuống máy bay, ông vẫn nói với các phóng viên "chúng ta đang thắng".
"Cha tôi có biết ông đang nói dối không? Tôi tin là ông ấy hẳn phải biết. Tuy nhiên, khi đối mặt với quân đội Việt Nam rất trí tuệ, biết tạo thế trong chiến đấu, biết khi nào nên đánh, nơi nào cần đánh và đánh trong bao lâu, tôi nghĩ điều đó khiến ông tiếp tục lún sâu vào vòng xoáy dối trá, ngay cả khi ông biết rằng cuộc chiến là không thể thắng", con trai cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chia sẻ.
Yếu tố X đánh bại mọi kế hoạch
Robert McNamara liên tiếp gửi quân đội đến Việt Nam, nhưng kết quả chiến trường không như mong đợi. Ông dựng hệ thống phòng ngự khổng lồ để chặt đứt đường Hồ Chí Minh - "hàng rào McNamara", trị giá gần 2 tỷ USD.
Hệ thống chống người và xe xâm nhập được hỗ trợ bởi không quân, thiết bị trinh sát lớn để thu thập hình ảnh, tiếng động và rải thảm bom mìn.
Phòng tuyến hàng rào McNamara là sự kết hợp những thành tựu bậc nhất của nền công nghiệp quân sự Mỹ thời đó.
Tuy nhiên, Việt Nam đã sử dụng sức mạnh tổng hợp, từng bước tiếp cận với các phương tiện kỹ thuật để vô hiệu hóa và vận dụng thế trận chiến tranh nhân dân.
Robert McNamara không thể ngờ rằng con ếch trong ống nhôm được du kích treo lên hàng rào lại có thể giúp đánh bại phòng tuyến McNamara.
"Tôi nghĩ trong tâm trí của cha tôi, ông nghĩ cuộc chiến không thể thắng được nữa, nhưng vẫn tìm cách thoát ra", ông Craig nói.

Ông Craig gặp con gái của anh hùng Bảy Đen - người tham gia chiến dịch Ấp Bắc (Ảnh: Chụp màn hình).
Tháng 11/1967, Robert McNamara đề xuất ngừng ném bom miền Bắc và ngừng gửi lính Mỹ tới chiến trường, nhưng không được chấp nhận. Chưa đầy 3 tuần sau, ông từ chức.
"Bi kịch, nỗi buồn, sự đau khổ và sự xấu hổ trong 8 năm giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng đã thay đổi toàn bộ cuộc đời ông", người con trai nhận định.
Cuộc chơi quân sự của Robert McNamara kết thúc bằng những giọt nước mắt trong cuộc họp cuối cùng trước khi rời nhiệm sở.
Trong hành trình thực hiện bộ phim và đặt chân đến nhiều vùng đất lịch sử, ông Craig đã hiểu được vì sao cha mình đã sai.
Đó là bởi trong cuộc chiến tranh, người Mỹ không thể tìm ra lý do chính nghĩa cho sự can thiệp của họ vào Việt Nam.
Ý chí quật cường của người Việt Nam đến từ những người rất bình thường. Trong chiến đấu, sự kiên gan và anh dũng càng bộc lộ rõ. Ý chí này đến từ tình cảm yêu thương mãnh liệt trong mỗi gia đình, từ tầm nhìn vượt thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những nhà lãnh đạo Việt Nam kiệt xuất.
Xuyên suốt bộ phim, sự chia rẽ ở ngay trong lòng nước Mỹ và bi kịch trong chính gia đình McNamara đã được kể lại một cách chân thật khi Craig trải lòng.
Khán giả thấy được quá trình chuyển biến của ông từ một người luôn ám ảnh về chiến tranh và luôn muốn nói lời xin lỗi, trở thành một người tham gia mạnh mẽ vào phong trào phản chiến, phản đối chính cuộc chiến mà cha mình là nhân vật hàng đầu xây dựng và điều hành.