GS.TS Trình Quang Phú: Cội nguồn sức mạnh thống nhất đất nước từ Đại thắng mùa Xuân 1975

VTV.vn - Nhân kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, phóng viên Thời báo VTV đã có cuộc trò chuyện với GS.TS Trình Quang Phú để nhìn lại những giá trị lịch sử to lớn của Đại thắng Mùa xuân 1975.

GS.TS Trình Quang Phú – Viện trưởng Viện nghiên cứu phương Đông - là nhà văn, nhà báo chiến trường. Ông từng làm việc với nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, quân đội như: Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Quyền Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ… đặc biệt, ông nhiều lần được gặp Bác Hồ. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách viết về Bác Hồ, nổi bật là tập truyện ký Theo dấu chân Người, tác phẩm vừa đạt giải nhất Cuộc vận động sáng tác TP Hồ Chí Minh – 50 năm bản hùng ca và được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch bình chọn là một trong 10 tác phẩm tiêu biểu nhất năm 2024.

GS.TS Trình Quang Phú

GS.TS Trình Quang Phú, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Hồ Đắc Thạnh, Nhà văn Nguyễn Bình Phương thăm lại chiến trường Suối Cối ở Phú Yên (Ảnh: NVCC)

Trong không khí cả nước hân hoan kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, nhìn lại Đại thắng mùa Xuân 1975, theo Giáo sư, yếu tố then chốt nào đã làm nên chiến thắng lịch sử này?

Dân tộc ta đã trải qua 9 năm kháng chiến chống Pháp và 20 năm kháng chiến chống Mỹ. Gần 30 năm chiến tranh là một trong những cuộc kháng chiến dài nhất lịch sử thế giới. Mỹ đã chi 676 tỷ USD cho cuộc chiến tranh Việt Nam, huy động gần 55 vạn quân viễn chinh, cùng hàng vạn quân chư hầu và cố vấn quân sự, làm nòng cốt cho khoảng 1 triệu quân đội Sài Gòn.

Có rất nhiều yếu tố làm nên chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, nhưng trên hết vẫn là sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara từng thừa nhận, Mỹ thua trận vì đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc và tinh thần đoàn kết của người Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh sức mạnh đại đoàn kết dân tộc: "Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân". Tinh thần đại đoàn kết không chỉ ở trong nước mà còn lan tỏa ra nước ngoài. Chúng ta đã đoàn kết nhân dân từ Bắc chí Nam, đoàn kết các nước Xã hội chủ nghĩa để nhận hỗ trợ, và đoàn kết nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.

Ông bà ta có câu: "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao". Khi quân dân cả nước đồng lòng, chúng ta vẫn chiến đấu ngoan cường với những đế quốc hùng mạnh nhất thế giới, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, dù chỉ với vũ khí thô sơ. Phong trào Đồng Khởi của nhân dân miền Nam, sự dũng cảm của phụ nữ miền Nam, hay hình ảnh hàng ngàn thanh niên miền Bắc vượt Trường Sơn cứu nước là những minh chứng sinh động cho sức mạnh đoàn kết.

GS.TS Trình Quang Phú nhận Giải Nhất

GS.TS Trình Quang Phú nhận Giải Nhất mảng Văn học tại Cuộc vận động sáng tác TP Hồ Chí Minh - 50 năm tự hào bản anh hùng ca cho tác phẩm Theo dấu chân Người

Rất nhiều câu chuyện hào hùng, cảm động về tinh thần đoàn kết toàn dân đã được kể lại qua sách, báo, phim ảnh, hiện vật, nhân chứng lịch sử… Là một nhà báo chiến trường, nhà nghiên cứu đã dành nhiều tâm huyết ghi lại những câu chuyện ấy, Giáo sư ấn tượng nhất với điểm nhấn nào trong bức tranh bi tráng đó?

Trong cuộc chiến vĩ đại của dân tộc, tình yêu thương và tinh thần đoàn kết được thể hiện rõ ràng, chia sẻ với nhau từ những điều nhỏ nhặt nhất, "hạt muối cắn đôi". Nhân dân miền Bắc sẵn sàng tháo nhà, tháo cửa để mở đường cho các đoàn xe chi viện miền Nam. Các cô gái thanh niên xung phong tuổi mười tám, đôi mươi, không ngại bom đạn san lấp đường cho xe ra trận.

Đó là thời kỳ mọi người quên mình, hòa vào mục tiêu chung của dân tộc. Mỗi người một miền, một vùng, nhưng cùng sát cánh thành đồng đội. Ngày xưa, ông bà ta nhấn mạnh đến hai chữ "đồng bào" - cùng chung một bọc, và trong những ngày khói lửa ấy, chúng ta đã biến "đồng bào" thành "đồng chí", "đồng đội".

Hội trường Thống Nhất

Hội trường Thống Nhất hiện nay (Ảnh: Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh)

Tinh thần đại đoàn kết dân tộc được phát huy như thế nào trong thời đại ngày nay, thưa Giáo sư?

Từ sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đến nay, bài học về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam bổ sung, phát triển cả về quan điểm, nhận thức và hành động. Chính từ sức mạnh của khối đại đoàn kết ấy, đất nước ta đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử: kinh tế, xã hội phát triển, quốc phòng, an ninh được giữ vững, quan hệ đối ngoại không ngừng được mở rộng, vị thế và uy tín của Việt Nam không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế.

Từ một nền kinh tế lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên vào Top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong Top 20 quốc gia trên thế giới, là mắt xích quan trọng trong 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu.

Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, Việt Nam ghi dấu ấn mạnh mẽ với tăng trưởng GDP ấn tượng 7,09%, trở thành điểm sáng về tăng trưởng trong khu vực. Từ một đất nước bị bao vây cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, các nước lớn, và là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế. Sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của chúng ta đã trở thành tấm gương cho nhiều quốc gia, dân tộc học tập, noi theo.

Trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình như lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Tô Lâm, hai chữ đoàn kết càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Chỉ có đoàn kết mới có sức mạnh, tạo dựng nền tảng vững chắc đưa đất nước bứt phá, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Việt Nam - Điểm đến hấp dẫn

Việt Nam được đánh giá là một đất nước đang vươn lên mạnh mẽ, là điểm đến được bạn bè quốc tế yêu thích (Ảnh: Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh)

Là một nhà nghiên cứu, Giáo sư nhận thấy các nước trên thế giới đánh giá thế nào về tinh thần đoàn kết của người Việt Nam?

Các lãnh đạo của Liên Hợp Quốc và APEC đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, Việt Nam là một quốc gia đã vượt qua nhiều thử thách lớn, từ chiến tranh đến thiên tai, và đã thể hiện sự kiên cường trong việc phục hồi và phát triển đất nước.

Cả về mặt kinh tế và xã hội, Việt Nam luôn duy trì được sự đoàn kết mạnh mẽ. Trong chuyến thăm vừa qua của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Indonesia và Singapore - hai quốc gia có vị thế quan trọng trong ASEAN – lãnh đạo các nước đều đánh giá Việt Nam là đất nước đang vươn lên đứng đầu khu vực.

Hiện tại, Việt Nam không chỉ là điểm đến được du khách quốc tế yêu thích mà còn là nơi thu hút rất nhiều nhà đầu tư lớn trên toàn cầu. Một trong những sức hút lớn nhất của Việt Nam là sự ổn định chính trị, người dân cần cù, chịu thương chịu khó, thân thiện, giàu lòng nhân ái. Tất cả những điều đó cũng bắt nguồn từ tinh thần đoàn kết, biết quý trọng và sống vì nhau, vốn là truyền thống bao đời nay của dân tộc.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

GS.TS Trình Quang Phú sinh năm 1940 tại xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Năm 12 tuổi, ông tham gia cách mạng, làm chiến sĩ liên lạc. Năm 1954, hòa bình lập lại, ông tập kết ra Bắc, học tập dưới mái trường xã hội chủ nghĩa và trở thành nhà khoa học cho đến ngày nay. Dưới sự dẫn dắt của ông, Viện Nghiên cứu Phương Đông đã được Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh trao tặng 6 chữ vàng: "Trí tuệ - Sáng tạo - Cống hiến". Năm 2023, GS.TS Trình Quang Phú được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Chiến dịch Tây Nguyên tạo đà cho đại thắng mùa Xuân 1975Chiến dịch Tây Nguyên tạo đà cho đại thắng mùa Xuân 1975 Đại thắng mùa xuân 1975 và Mùa bình thường - Mùa vuiĐại thắng mùa xuân 1975 và Mùa bình thường - Mùa vui Sách hay: “Từ phong trào Đồng Khởi đến đại thắng mùa xuân 1975”Sách hay: “Từ phong trào Đồng Khởi đến đại thắng mùa xuân 1975”

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!

Bài viết liên quan

Bài viết mới nhất