Giải mã hiện tượng hào quang mặt trời liên tục xuất hiện những ngày qua
Hiện tượng hào quang mặt trời, hay còn gọi là quầng mặt trời (sun halo), thường xuất hiện trong điều kiện thời tiết tốt và không phải là dấu hiệu bất thường của tự nhiên. Cùng tìm hiểu chi tiết về hiện tượng này.
Ngày 15/5, Cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) thông tin về việc người dân ghi nhận được hình ảnh vòng tròn rực rỡ bao quanh mặt trời ở nhiều địa phương trong những ngày gần đây.
Cơ quan này giải thích rằng đây là hiện tượng quầng mặt trời, hay còn gọi là hào quang mặt trời (sun halo). Hiện tượng này thường xảy ra khi thời tiết tốt, với bầu trời có một lớp mây mỏng tên là mây Cs.

Vầng hào quang mặt trời xuất hiện ở chùa Tam Chúc, Hà Nam ngày 15/5 (Ảnh: Chùa Tam Chúc).
Lớp mây Cs rất mỏng và trong suốt, tồn tại ở độ cao trung bình 6-8km so với mặt đất, được cấu tạo từ các tinh thể đá. Quầng mặt trời hình thành do hiện tượng khúc xạ ánh sáng khi ánh sáng chiếu qua lớp tinh thể này.
Cục Khí tượng Thủy văn nhấn mạnh rằng hiện tượng này khác với cầu vồng, vốn là hiện tượng khúc xạ ánh sáng qua bầu khí quyển chứa nhiều hạt nước. Bán kính của hình tròn quầng mặt trời là 22 độ (góc tính từ mắt người quan sát), vì vậy nó còn được gọi là "hào quang 22 độ".
"Đây là hiện tượng thỉnh thoảng vẫn quan sát được ở Việt Nam và không phải là dấu hiệu bất thường trong tự nhiên," Cục Khí tượng Thủy văn khẳng định.
Trước đó, vào khoảng 11h45 ngày 14/5, người dân Quảng Ngãi đã chứng kiến quầng mặt trời xuất hiện trên bầu trời. Ban đầu quầng mặt trời nhỏ, sau đó lớn dần và kéo dài khoảng một giờ trước khi mờ dần và biến mất.
Khoảng 10h30 sáng 15/5, nhiều người đến chùa Tam Chúc (Hà Nam) cũng quan sát được hiện tượng tương tự. Ban đầu quầng mặt trời nhỏ, sau đó lớn dần.