Giá vàng miếng SJC giảm mạnh: Cơ hội hay rủi ro?
Giá thu mua vàng miếng giảm 4,5 triệu đồng/lượng sau một tuần
(Dân trí) - Giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn đồng loạt giảm sâu trong tuần giao dịch vừa qua. Thị trường vàng thế giới cũng chứng kiến mức giảm gần 4%.
Tuần giao dịch từ 12/5 đến 17/5 khép lại với sự điều chỉnh đáng kể của giá vàng miếng SJC. Các doanh nghiệp lớn niêm yết giá mua vào ở mức 115,5 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 118,5 triệu đồng/lượng, giảm lần lượt 4,5 triệu đồng và 3,5 triệu đồng so với đầu tuần. Mức chênh lệch mua - bán hiện là 3 triệu đồng/lượng.
Đầu tuần, giá vàng miếng SJC được giao dịch ở mức 120-122 triệu đồng/lượng, sau đó liên tục giảm. Dù có thời điểm phục hồi lên 120,8 triệu đồng/lượng, giá nhanh chóng quay đầu giảm về mức thấp hiện tại.
Giá vàng nhẫn cũng ghi nhận mức giảm, với giá mua vào ở mức 111 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 114 triệu đồng/lượng, giảm 1,5 triệu đồng và 1 triệu đồng so với đầu tuần. Chênh lệch mua - bán cũng ở mức 3 triệu đồng/lượng.

Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn đồng loạt giảm (Ảnh: Mạnh Quân).
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay giảm gần 38 USD/ounce, xuống mức 3.201 USD/ounce. Trong phiên có thời điểm giá giảm xuống 3.155 USD/ounce, trước khi phục hồi nhờ thông tin Moody's hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ do lo ngại về thâm hụt tài khóa và chi phí trả lãi vay tăng.
Tính chung cả tuần, giá vàng thế giới mất gần 4%, chủ yếu do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc hạ nhiệt.
Đầu phiên giao dịch sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá kim loại quý thế giới giao dịch quanh mốc 3.231 USD/ounce, tăng 45 USD so với phiên trước. Quy đổi theo tỷ giá (chưa bao gồm thuế, phí), giá vàng thế giới tương đương 101,7 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước đang cao hơn giá thế giới khoảng 16-17 triệu đồng/lượng, tùy thời điểm.
Kết quả khảo sát của Kitco cho thấy tâm lý bi quan bao trùm thị trường vàng trong tuần này. Trong số 16 nhà phân tích Phố Wall, chỉ 2 người (12%) dự đoán giá tăng, 10 người (63%) dự đoán giảm và 4 người (25%) dự đoán đi ngang.
Tương tự, trong số 294 nhà đầu tư cá nhân, 42% dự đoán giá vàng sẽ giảm tiếp, 34% dự đoán tăng và 24% dự đoán đi ngang.
Adrian Day, Chủ tịch quỹ Adrian Day Asset Management, nhận định đà giảm của vàng có thể chưa dừng lại: "Giá vàng có thể tiếp tục giảm trong vài tuần tới khi Mỹ điều chỉnh thuế quan. Đây có thể là cơ hội mua vào thực sự".
Ngược lại, Darin Newsom, chuyên gia phân tích cấp cao tại Barchart.com, đưa ra góc nhìn lạc quan hơn: "Thị trường vẫn nghiêng về tăng khi có nhiều thông tin về việc các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng. Tuy nhiên, các thông tin trên truyền thông đôi khi không phản ánh đúng thực tế".
Trong tuần này, thị trường sẽ chờ đợi các dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ như số liệu trợ cấp thất nghiệp, chỉ số PMI sơ bộ và doanh số bán nhà.
Ngoài ra, giới đầu tư cũng sẽ theo dõi sát sao các phát biểu từ các quan chức Fed, bao gồm cả Chủ tịch Jerome Powell, để đánh giá hướng đi tiếp theo của chính sách tiền tệ - yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến giá vàng.
Giá USD tự do giảm sâu
Kết thúc tuần giao dịch, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá USD trung tâm ở mức 24.960 đồng/USD, giảm 10 đồng so với phiên trước đó. Với biên độ 5%, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại được phép giao dịch trong khoảng 23.711-26.209 đồng/USD.
Các ngân hàng lớn niêm yết tỷ giá USD ở mức 25.720-26.110 đồng (mua - bán), tăng 10 đồng ở chiều mua. Các ngân hàng cổ phần niêm yết tỷ giá ở mức 25.710-26.130 đồng (mua - bán).
Trên thị trường tự do, đồng USD được giao dịch ở mức 26.330-26.430 đồng (mua - bán), giảm 120 đồng so với phiên trước.