Giá vàng hôm nay: Đồng loạt giảm, rời mốc 102 triệu đồng/lượng

Giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn trơn đồng loạt giảm, không còn giữ được mốc 102 triệu đồng/lượng do ảnh hưởng từ thị trường thế giới.

Giá vàng SJC mất mốc 102 triệu đồng/lượng

Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/4, các doanh nghiệp lớn niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 99,1-101,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 300.000 đồng/lượng so với phiên trước.

Như vậy, giá vàng miếng SJC đã chính thức rời mốc 102 triệu đồng/lượng sau khi vượt qua ngưỡng này vào tuần trước. Đã có thời điểm giá vàng đạt mức kỷ lục 100,3-102,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Giá vàng nhẫn trơn được niêm yết ở mức 98,9-101,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 300.000 đồng/lượng ở chiều mua và giữ nguyên ở chiều bán. So với mức đỉnh trước đó, giá vàng nhẫn đã giảm 800.000 đồng/lượng ở chiều mua và 500.000 đồng/lượng ở chiều bán.

Sự sụt giảm của giá vàng trong nước diễn ra trong bối cảnh giá vàng thế giới cũng điều chỉnh giảm. Hiện tại, giá kim loại quý trên thị trường quốc tế đang dao động quanh mức 3.120 USD/ounce. Trước đó, giá vàng thế giới đã có lúc giảm xuống gần 3.100 USD/ounce, nhưng lực cầu bắt đáy đã giúp giá giữ vững mốc quan trọng này.

Sự đảo chiều của giá vàng được cho là do thị trường bớt lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế, sau khi Mỹ và châu Âu công bố các dữ liệu kinh tế khả quan.

Chỉ số PMI ngành sản xuất của Mỹ trong tháng 3 đạt 50,2 điểm, vượt qua dự báo 49,8 điểm và cho thấy sự phục hồi của lĩnh vực sản xuất. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tại châu Âu giảm xuống còn 6,1% trong tháng 2, thấp hơn mức dự báo 6,2%.

Diễn biến giá vàng trong thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào dữ liệu kinh tế và chính sách tài chính của Mỹ. Theo ông Peter Grant, Phó chủ tịch Zaner Metals, cả yếu tố kỹ thuật và yếu tố cơ bản đều có tác động lớn đến giá kim loại quý.

Giá vàng đồng loạt giảm, rời mốc 102 triệu đồng/lượng - 1

Giá vàng trong nước biến động mạnh (Ảnh: Mạnh Quân).

Các chuyên gia phân tích nhận định, giá kim loại quý có thể tiếp tục chịu áp lực nếu dữ liệu việc làm và kinh tế Mỹ cho thấy sự tăng trưởng ổn định. Ngược lại, nếu có dấu hiệu suy thoái hoặc căng thẳng địa chính trị gia tăng, giá vàng có thể tăng trở lại do nhu cầu trú ẩn an toàn.

Nhà đầu tư nên theo dõi sát sao các số liệu kinh tế sắp được công bố để đưa ra quyết định hợp lý, tránh rủi ro trong bối cảnh thị trường biến động. Mặc dù giá vàng có thể điều chỉnh giảm trong ngắn hạn, nhưng xu hướng dài hạn vẫn phụ thuộc vào tình hình kinh tế tổng thể và chính sách tiền tệ của Fed.

Giá USD ngân hàng tăng

Ngày 2/4, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.851 đồng, tăng 16 đồng so với phiên trước. Các ngân hàng thương mại được phép mua bán USD trong vùng 23.608-26.093 đồng.

Các ngân hàng lớn niêm yết giá mua bán USD ở mức 25.470-25.820 đồng (mua vào - bán ra), tăng 30 đồng ở chiều mua và giữ nguyên ở chiều bán. Các ngân hàng cổ phần niêm yết ở mức 25.450-25.820 đồng (mua vào - bán ra), giữ nguyên chiều bán và giảm 20 đồng ở chiều mua so với phiên trước.

Trên thị trường tự do, giá USD giao dịch quanh mức 25.840-25.910 đồng (mua vào - bán ra), giảm 10 đồng ở cả hai chiều.

Bài viết liên quan

Bài viết mới nhất