Giá cà phê phục hồi sau khi Mỹ hoãn áp thuế đối ứng - Ảnh: N.TRÍ
Theo khảo sát từ các nhà vườn và doanh nghiệp thu mua, chiều ngày 15-4, giá cà phê nhân xô dao động từ 129.000 - 130.500 đồng/kg, tăng mạnh 4.000 - 5.000 đồng/kg so với phiên giao dịch trước đó.
Cụ thể, giá cà phê tại Đắk Lắk và Gia Lai đang ở mức cao nhất, đạt 130.500 đồng/kg. Tại Đắk Nông và Lâm Đồng, giá cà phê được ghi nhận ở mức 129.500 - 130.000 đồng/kg.
Trong khi đó, Bình Phước và Đồng Nai có mức giá thấp hơn, dao động từ 129.000 - 130.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nguồn cung có dấu hiệu khan hiếm do người dân hạn chế bán ra.
Giá cà phê trên sàn giao dịch cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng so với phiên trước.
Cụ thể, trên Sàn giao dịch London, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 5-2025 chốt phiên sáng 15-4 ở mức 5.263 USD/tấn, tăng 164 USD/tấn; kỳ hạn tháng 7-2025 tăng 190 USD/tấn, đạt 5.239 USD/tấn; và kỳ hạn tháng 9-2025 đạt 5.166 USD/tấn, tăng 195 USD.
Trên Sàn giao dịch New York, giá cà phê arabica giao tháng 5-2025 đứng ở mức 360,4 US cent/pound, tăng 0,75% (2,7 US cent/pound); hợp đồng giao kỳ hạn tháng 7-2025 tăng 1,39% (4,9 US cent/pound), lên mức 358,5 US cent/pound.
Động thái tạm hoãn áp thuế đối ứng từ chính quyền Mỹ đã tạo động lực lớn, giúp giá cà phê nội địa và thế giới phục hồi mạnh mẽ. Các doanh nghiệp nhận định, dù có biến động, giá cà phê hiện vẫn ở mức cao so với các năm trước, và có khả năng đạt lại đỉnh 135.500 đồng/kg đã từng ghi nhận.
"Nếu nguồn cung cà phê thế giới tiếp tục giảm như dự báo, giá cà phê có thể duy trì ở mức tốt trong tương lai gần, bất chấp những rủi ro từ chiến tranh thương mại", một chuyên gia phân tích.
Theo Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam, thông tin về nguồn cung giảm, các nước hạn chế bán ra, cùng với thời tiết bất lợi ở Brazil, là những yếu tố hỗ trợ giá cà phê duy trì ở mức cao.
Thực tế, lượng xuất khẩu cà phê từ hai quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới là Brazil và Việt Nam đều giảm đáng kể so với năm ngoái.