Đột phá mới: Nhà nước tập trung đánh giá kết quả nghiên cứu, không can thiệp vào cách làm

Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo vừa được Chính phủ trình lên Quốc hội, đề xuất trao quyền tự chủ toàn diện cho các cơ sở nghiên cứu, bao gồm cả hoạt động chuyên môn, xây dựng bộ máy và chi tiêu theo cơ chế khoán.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh, Nhà nước sẽ tập trung quản lý mục tiêu, kết quả đầu ra và hiệu quả nghiên cứu, thay vì can thiệp vào phương pháp thực hiện. Thay đổi này được kỳ vọng sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho hoạt động nghiên cứu. Trong trường hợp dự án không đạt kết quả như kỳ vọng, các tổ chức nghiên cứu sẽ không còn phải bồi thường và được miễn trừ trách nhiệm dân sự đối với các thiệt hại phát sinh cho Nhà nước trong quá trình nghiên cứu.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng trước đó đã giải thích rằng, dù chấp nhận rủi ro ở từng nhiệm vụ, dự án cụ thể, hiệu quả hoạt động vẫn được đánh giá trên tổng thể tổ chức và chương trình nghiên cứu. Các tổ chức hoạt động hiệu quả sẽ được ưu tiên cấp thêm kinh phí phát triển, trong khi các tổ chức kém hiệu quả có thể bị cắt giảm nguồn lực hoặc thậm chí giải thể.

Bộ trưởng khẳng định, việc giao tự chủ không đồng nghĩa với buông lỏng trách nhiệm, mà nhằm tạo ra một cơ chế linh hoạt, khuyến khích đổi mới sáng tạo. Sự chấp nhận rủi ro là yếu tố then chốt để thúc đẩy các nhà khoa học theo đuổi những vấn đề thách thức, tạo ra những đột phá khoa học. Ngay cả khi nghiên cứu không đạt được mục tiêu ban đầu, nó vẫn mang lại những bài học quý giá, giúp tránh những sai lầm tương tự hoặc mở ra những hướng đi mới. Cơ chế đánh giá hiệu quả gắn liền với kinh phí đảm bảo phân bổ tài chính một cách hợp lý, thúc đẩy nâng cao chất lượng khoa học và công nghệ.

Phòng thí nghiệm bán dẫn Trung tâm nghiên cứu triển khai, Khu công nghệ cao TP HCM, tháng 12/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Phòng thí nghiệm bán dẫn Trung tâm nghiên cứu triển khai, Khu công nghệ cao TP HCM, tháng 12/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhận định rằng việc thiếu quy định rõ ràng về cơ chế chấp nhận rủi ro và độ trễ đang là một trong những rào cản lớn đối với hoạt động khoa học. Tuy nhiên, một số thành viên ủy ban đề nghị cần làm rõ hơn cơ chế miễn trừ trách nhiệm dân sự cho các tổ chức và cá nhân nghiên cứu khoa học đối với những thiệt hại gây ra cho Nhà nước và cộng đồng. Ủy ban cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải phân biệt rõ giữa rủi ro khách quan với lỗi chủ quan và các hành vi vi phạm đạo đức nghiên cứu.

Nhà khoa học được hưởng lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu

Dự luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo bổ sung các quy định về sở hữu và thương mại hóa kết quả nghiên cứu, trao quyền sở hữu và tự quyết cho các cơ sở nghiên cứu đối với thành quả và tài sản được hình thành từ hoạt động này. Đặc biệt, người trực tiếp tham gia nghiên cứu sẽ được hưởng tối thiểu 30% lợi nhuận từ thương mại hóa, đồng thời được phép tham gia thành lập và điều hành các doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Ban soạn thảo cũng đề xuất các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân, các khoản thưởng cho nghiên cứu cơ bản và việc chia sẻ lợi nhuận từ thương mại hóa cho nhân lực trong nước. Nhà nước cũng đặc biệt chú trọng đến việc thu hút các chuyên gia nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài bằng các ưu đãi về lương, tạo điều kiện thuận lợi về giấy phép lao động và thị thực để họ có thể tham gia vào các nhiệm vụ khoa học trọng điểm.

Dự luật bổ sung các nguyên tắc và tiêu chí để xác định nhân tài trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ đó xây dựng một cơ chế thu hút và đãi ngộ phù hợp.

Dự án Luật sẽ được Quốc hội thảo luận tại hội trường vào ngày 13/5 và dự kiến sẽ được thông qua trong đợt họp thứ hai của kỳ họp.

Sơn Hà

Gửi góp ý

Bài viết liên quan

Bài viết mới nhất