COVID-19 gia tăng ở nhiều nước: Tình hình Việt Nam hiện tại?

(Dân trí) - Ngày 19/5, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã ban hành công văn yêu cầu tăng cường công tác khám, phát hiện và điều trị các ca mắc COVID-19, đặc biệt chú trọng đảm bảo an toàn cho người bệnh thuộc nhóm nguy cơ cao.

Theo thông tin cập nhật, số ca mắc COVID-19 đang có xu hướng gia tăng tại một số quốc gia trên thế giới, bao gồm Brazil, Anh, Thái Lan...

Tại Singapore, theo ghi nhận của tờ Straits Times, số ca mắc COVID-19 đã tăng từ 11.100 ca trong tuần trước lên 14.200 ca trong tuần từ 27/4 đến 3/5. Số bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt giảm nhẹ từ 3 xuống 2, trong khi số ca nhập viện tăng từ 102 lên 133.

Bộ Y tế và Cơ quan Quản lý Bệnh truyền nhiễm Singapore nhận định đây là diễn biến theo chu kỳ, tương tự như các bệnh đường hô hấp khác. Hai biến thể chính đang lưu hành là LF.7 và NB.1.8, đều có nguồn gốc từ biến thể JN.1. 

Tính từ đầu năm đến ngày 10/5, Thái Lan đã ghi nhận gần 53.700 ca mắc COVID-19 và 16 ca tử vong. Sự gia tăng số ca mắc tại Thái Lan có liên quan đến sự lây lan của biến thể phụ XBB.1.16.

Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay ghi nhận rải rác 148 trường hợp mắc tại 27 tỉnh, thành phố và không có ca tử vong. Hiện tại, chưa ghi nhận các ổ dịch tập trung, tuy nhiên có sự gia tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, trung bình khoảng 20 ca mắc/tuần.

Trong tuần từ 9-16/5, TP Hà Nội ghi nhận 23 ca mắc COVID-19. Tính từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 37 ca mắc, 0 ca tử vong, giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái (637 ca mắc, 0 ca tử vong).

COVID-19 gia tăng tại một số nước, tình hình tại Việt Nam như thế nào? - 1

Biến thể phụ XBB.1.16 của Omicron đã xuất hiện từ năm 2023, có khả năng lây lan nhanh chóng (Ảnh: Stock).

Bộ Y tế nhận định do sự giao lưu, đi lại tăng cao trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, khả năng gia tăng các ca mắc tại Việt Nam trong thời gian tới là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, dự kiến sẽ không có sự gia tăng đáng kể các ca bệnh nặng do đặc điểm của các biến thể COVID-19 hiện tại. 

Tại Việt Nam, COVID-19 hiện được xem là bệnh lưu hành. Để chủ động ứng phó với diễn biến dịch bệnh, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu các bệnh viện và sở y tế rà soát, cập nhật kế hoạch thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19, đảm bảo không rơi vào tình thế ứng phó bị động.

Các cơ sở y tế cần chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, khu vực cách ly, thiết bị và vật tư y tế để tổ chức thu dung, cách ly, chẩn đoán, điều trị và thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn một cách hiệu quả.

Đặc biệt, cần tăng cường các biện pháp phòng lây nhiễm, nhất là lây nhiễm qua đường hô hấp, để hạn chế tối đa sự lây lan dịch bệnh trong môi trường khám chữa bệnh.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng đặc biệt lưu ý việc đảm bảo an toàn cho các đối tượng có nguy cơ cao (như phụ nữ mang thai, người có bệnh nền, bệnh nặng, người cao tuổi…), cũng như tại các khu vực hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật…

Cuối cùng, các cơ sở y tế cần tuân thủ nghiêm túc việc báo cáo ca bệnh theo đúng quy định.

Các dấu hiệu cảnh báo khi mắc COVID-19

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể phụ XBB.1.16 của Omicron đã xuất hiện từ năm 2023 và có khả năng lây lan nhanh chóng. Tuy nhiên, hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy biến thể này gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn, và không có cảnh báo mới nào về COVID-19 trên phạm vi toàn cầu.

Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, các triệu chứng phổ biến của đợt Omicron hiện tại bao gồm sốt cao, ho, viêm kết mạc (kèm theo ngứa mắt), đau họng, sổ mũi, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau nhức cơ thể và đau đầu.

Thời gian ủ bệnh trung bình là 3,8 ngày, ngắn hơn so với các biến thể trước đây. Thời gian trung bình kéo dài các triệu chứng là khoảng 5 ngày.

Bài viết liên quan

Bài viết mới nhất