
VN-Index gặp áp lực điều chỉnh - Ảnh: QUANG ĐỊNH
VN-Index điều chỉnh sau chuỗi tăng trưởng
Kết thúc phiên giao dịch sáng nay, VN-Index giảm gần 7 điểm, xuống mức 1.318 điểm. Hầu hết các nhóm ngành đều chịu áp lực điều chỉnh.
Trong nhóm ngân hàng và chứng khoán, cổ phiếu TPB của TPBank và ORS của Chứng khoán Tiên Phong có diễn biến đáng chú ý.
Cổ phiếu TPB giảm gần 5% trong phiên giao dịch sáng, xuống còn 15.250 đồng/cổ phiếu, với thanh khoản tăng mạnh.
Tổng giá trị giao dịch TPB đạt gần 65 triệu đơn vị chỉ trong buổi sáng, cao gấp hơn 5 lần so với khối lượng giao dịch trung bình của một phiên trong 3 tháng gần đây.
Đây là cổ phiếu giảm mạnh nhất trong nhóm ngân hàng sáng nay, đồng thời có thanh khoản cao nhất trên sàn.
Cổ phiếu của ngân hàng do ông Đỗ Minh Phú làm chủ tịch cũng là tâm điểm bán ròng của khối ngoại. Dữ liệu cho thấy, khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 800 tỉ đồng trong phiên sáng nay, trong đó bán ròng 135 tỉ đồng giá trị cổ phiếu TPB.
Theo báo cáo từ Fiingroup, TPB là cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất của các quỹ trong tháng 2-2025.
Fiingroup cho biết nguyên nhân chủ yếu là do quỹ PYN Elite giảm tỉ trọng nắm giữ TPB trong danh mục từ 9,6% (tháng 1) xuống 8,7% (tháng 2-2025).
Trong khi đó, cổ phiếu ORS của Chứng khoán Tiên Phong giảm kịch sàn trong phiên sáng nay do áp lực bán ra từ nhà đầu tư. Đến hết phiên sáng, khối lượng dư bán lên đến gần 1,49 triệu đơn vị.
Khối lượng giao dịch của ORS cũng tăng vọt lên 23,5 triệu đơn vị, cao hơn gấp 3 lần so với mức giao dịch trung bình cả phiên trong quý vừa qua.
Áp lực điều chỉnh là khó tránh khỏi
Phản ứng tiêu cực lan rộng ra nhiều cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Tổng cộng có gần 450 mã giảm điểm, trong khi chỉ 198 mã duy trì được sắc xanh trên cả 3 sàn.
Tổng giá trị giao dịch trong phiên sáng nay đạt hơn 11.000 tỉ đồng. Nhiều chuyên gia đã dự báo về khả năng thị trường sẽ điều chỉnh sau 8 phiên tăng liên tiếp.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, phó tổng giám đốc Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam, nhận định áp lực chốt lời gia tăng sau một giai đoạn tăng trưởng kéo dài.
Tuy nhiên, so với diễn biến chung của nhiều thị trường tài chính trên thế giới, chứng khoán Việt Nam vẫn duy trì được sự tích cực.
"Nguy cơ điều chỉnh về mốc 1.300 hoặc thậm chí thấp hơn có thể xảy ra khi các nhóm cổ phiếu lớn điều chỉnh. Nhưng với thanh khoản ổn định gần đây, điều chỉnh nếu có sẽ là cơ hội cho dòng tiền mới nhập cuộc", ông Ngọc cho biết.
Về các thông tin quan trọng sắp tới, thị trường đang chờ đợi đợt đánh giá giữa kỳ của FTSE Russell vào đầu tháng 4 và kết quả kinh doanh quý 1 (từ ngày 20-4).
Các yếu tố tiêu cực như tỉ giá hối đoái hay chính sách thuế quan từ chính quyền ông Trump không phải là vấn đề mới. Nhìn chung, giai đoạn này đang thiếu vắng thông tin, do đó nhịp nghỉ tích lũy là hợp lý.