Chung kết Europa League: Ám ảnh kim tiền đằng sau trận cầu Man Utd - Tottenham
Ám ảnh kim tiền phía sau chung kết Man Utd - Tottenham
Trước đây, các đội đứng thứ ba vòng bảng Champions League sẽ xuống chơi ở Europa League. Tuy nhiên, sau các cuộc đàm phán từ 2019 đến 2021, quy định đã thay đổi, giúp các CLB lớn dễ dàng trở lại Champions League thông qua Europa League, ngay cả khi có một mùa giải không thành công. Điều này đang diễn ra ở mùa giải đầu tiên sau thay đổi.
Các cầu thủ Tottenham ăn mừng chiến thắng trước Man Utd ở tứ kết Cup Liên đoàn tại London, Anh, ngày 19/12/2024. Ảnh: Reuters
Tờ Independent (Anh) gọi trận Man Utd - Tottenham là "chung kết tuyệt vọng" nhất lịch sử bóng đá châu Âu. Cả hai đội đang ở ngay trên nhóm rớt hạng Ngoại hạng Anh, Man Utd thứ 16 và Tottenham thứ 17.
Việc hai CLB suýt rớt hạng vẫn có cơ hội dự Champions League cho thấy sự khác biệt lớn so với trận chung kết UEFA Cup 1975-1976, khi Liverpool (vô địch Anh) đấu với Brugge (vô địch Bỉ).
Năm ngoái, Atalanta gây sốc khi đánh bại Bayer Leverkusen, đội vô địch Bundesliga và Cup Quốc gia Đức với thành tích bất bại. HLV Gian Piero Gasperini tự hào: "Chiến thắng của Atalanta là một trong những câu chuyện cổ tích hiếm hoi của bóng đá. Nó cho thấy sự công bằng: vẫn còn chỗ cho lý tưởng, không phải lúc nào cũng chỉ có tiền".
Trận chung kết năm nay hoàn toàn trái ngược. Man Utd và Tottenham có mặt ở San Mames phần lớn nhờ sức mạnh tài chính. Họ đối đầu với các đội có quỹ lương nhỏ hơn nhiều trên đường vào chung kết. Quỹ lương của Bodo/Glimt ước tính chưa bằng 1% của Tottenham. Thậm chí, quỹ lương của Bilbao, đối thủ ở bán kết, chỉ bằng khoảng 20% của Man Utd.
Bruno Fernandes ăn mừng bàn thắng ấn định tỷ số 3-0 cho Man Utd trước Athletic Bilbao tại Bilbao, Tây Ban Nha, ngày 1/5/2025. Ảnh: UEFA
Không chỉ quỹ lương, hai CLB Anh còn chi rất nhiều tiền trong 5 năm qua để đến được thời điểm này và cần tiếp tục đầu tư để trở lại đỉnh cao, nhờ hàng tỷ USD doanh thu từ Ngoại hạng Anh.
Việc Man Utd đứng thứ tư và Tottenham thứ chín trong danh sách các CLB giàu nhất của Deloitte cho thấy thứ hạng thấp của họ ở Ngoại hạng Anh là bất thường. Trong bóng đá hiện đại, có mối tương quan 90% giữa quỹ lương và vị trí trên bảng xếp hạng, hai đội này không chỉ là 10% ngoại lệ, mà còn là 0,1% hiếm hoi - nơi mọi logic dường như bị đảo ngược.
Sự lãng phí tiềm lực tài chính tạo ra sự tuyệt vọng bao trùm trận đấu này, trái ngược với những gì bóng đá lục địa nên hướng tới và khác với suy nghĩ của Gasperini về "sự công bằng".
Không thể phủ nhận việc Tottenham coi trọng Europa League, đặc biệt khi họ chưa giành được danh hiệu nào từ năm 2008. Người hâm mộ Man Utd luôn khao khát danh hiệu, và chiến thắng hôm nay sẽ rất quan trọng về mặt tâm lý cho kỷ nguyên của Ruben Amorim.
Man Utd từng vô địch Europa League năm 2017, nhưng sự rối ren kéo dài cho thấy vấn đề nằm ở cách sử dụng nguồn lực. Tương tự, Tottenham coi trọng vấn đề tài chính của Champions League đến mức cựu HLV Mauricio Pochettino từng công khai ưu tiên Ngoại hạng Anh hơn bất kỳ giải đấu cup nào.
Man Utd mừng danh hiệu Europa League 2017. Ảnh: Sky Sports
Những ưu tiên đó càng trở nên sâu sắc hơn trong kỷ nguyên PSR (Luật Lợi nhuận và Bền vững tài chính của Ngoại hạng Anh). Rốt cuộc, mọi thứ vẫn xoay quanh con số tiềm năng 135 triệu USD từ suất dự Champions League. Giải đấu danh giá này, vốn được mở rộng thêm cơ hội tham dự, chỉ nhằm phục vụ mục tiêu khiến nó hấp dẫn hơn với các CLB có tiềm lực thương mại lớn nhất. Chiếc cúp UEFA Cup truyền thống, hay Europa League hiện tại, dường như không còn đủ giá trị.
Chris Hughton, cựu hậu vệ phải của Tottenham vô địch UEFA Cup 1983-1984, ngạc nhiên trước sự thay đổi của bóng đá hiện đại. "Hồi đó, chúng tôi không nghĩ đến tiền bạc. Tất nhiên vẫn có thưởng, nhưng điều quan trọng nhất là vinh quang, là cảm giác giành được danh hiệu châu Âu", ông nói.
Khi ấy, khoảng cách tài chính giữa các CLB là quá nhỏ để tạo ra sự chênh lệch đáng kể. Còn bây giờ, nó đã trở nên khổng lồ, đến mức trận chung kết Europa League có lẽ là minh họa rõ nét nhất cho quá trình "tài chính hóa" của bóng đá. Trong bối cảnh chênh lệch tài chính tại Anh và tầm quan trọng của Champions League, trận đấu này thậm chí còn vượt qua cả trận play-off thăng hạng Ngoại hạng Anh để trở thành "trận đấu đắt giá nhất thế giới".
Bóng đá giờ đây như công cụ tài chính, đến mức các CLB quyết định không mua cầu thủ vào tháng 1 vì họ xem xét mọi thứ dựa trên sự chênh lệch tiền thưởng tiềm năng hơn là tham vọng mùa giải. Ảnh hưởng của yếu tố tài chính dường như lan tới cả chất lượng chuyên môn trên sân cỏ.
Suốt mùa này, hành trình của Man Utd tại Europa League được xem là minh chứng cho việc bầu không khí ở các đấu trường châu Âu vẫn có thể khơi dậy cảm xúc và tinh thần thi đấu "truyền thống" của các đội bóng lớn. Nhưng điều đó có thực sự xảy ra? Hay Man Utd và Tottenham chỉ đơn giản là đánh bại các đối thủ kém xa về đẳng cấp - đặc biệt khi nhìn vào khoảng cách quỹ lương giữa họ và phần còn lại?
HLV Ruben Amorim chỉ đạo trong trận Man Utd hòa Ipswich Town 1-1 tại Ipswich, Anh, ngày 24/11. Ảnh: AP
Bruno Fernandes tiết lộ HLV Ruben Amorim ngạc nhiên trước sự cạnh tranh quyết liệt của Ipswich Town trong trận ra mắt Man Utd. Trong bối cảnh đó, chất lượng chuyên môn của Europa League có thể còn kém hơn.
Sẽ có ý kiến phản bác rằng không có đại diện Anh nào vào chung kết Champions League trong hai mùa gần nhất. Nhưng đó là một giải đấu nơi phần lớn các "siêu CLB" góp mặt, những đội đã thống trị tuyệt đối ở giải quốc nội. Đó chỉ là vấn đề tương tự được mở rộng.
Ngược lại, chính Europa League mới có thể phản ánh chiều sâu thực sự của sức mạnh bóng đá. Điều này lại trở thành một thách thức đối với UEFA, nhất là khi ngày càng có nhiều CLB Anh giành quyền dự các Cup châu Âu.
Trận chung kết hôm nay có thể ảnh hưởng sâu rộng tới cả Ngoại hạng Anh. Đây có thể là khoảnh khắc "ngã rẽ" quyết định. Nếu Man Utd thắng, nguồn thu có thể giúp họ lấy lại vị thế. Ngược lại, thất bại có thể gây ra biến động nội bộ. Tương tự, HLV Ange Postecoglou có thể mất việc nếu Tottenham thua trận.
Hồng Duy