Chủ tịch Quốc hội: Nhiều cán bộ hy sinh quyền lợi vì sự phát triển đất nước
Trong quá trình tinh gọn bộ máy, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận nhiều cán bộ đã tự nguyện hy sinh quyền lợi cá nhân vì sự phát triển chung của đất nước.
Thông tin này được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, diễn ra vào sáng ngày 5/5.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, các luật và nghị quyết được thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 Quốc hội khóa XV đang đóng vai trò quan trọng trong việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Điều này giúp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, tạo động lực phát triển, khơi thông mọi nguồn lực, và kiến tạo không gian phát triển mới cho các địa phương và cả nước, theo đúng chủ trương của Đảng. Các cơ quan trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã, các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, MTTQ Việt Nam, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, các bộ ngành, địa phương đã thể hiện quyết tâm cao và triển khai quyết liệt, đạt được những kết quả ban đầu quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 9 (Ảnh: Phạm Thắng).
Ông Mẫn nhấn mạnh: "Nhiều cán bộ, đảng viên đã tự nguyện hy sinh quyền lợi cá nhân vì sự phát triển chung của cơ quan, đơn vị và của đất nước".
Kỳ họp thứ 9 sẽ diễn ra trong 37 ngày, chia làm 2 đợt, để Quốc hội xem xét, thảo luận và quyết định khối lượng công việc lớn nhất từ trước đến nay, bao gồm nhiều nội dung quan trọng trên các lĩnh vực: lập hiến - lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Về công tác lập hiến, lập pháp, kỳ họp sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
"Đây là nhiệm vụ chiến lược về chính trị và pháp lý, nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là về sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát thực tiễn", ông Mẫn cho biết.
Nội dung này sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua trước ngày 30/6 để kịp thời công bố và có hiệu lực từ ngày 1/7.
Với 54 dự án luật, nghị quyết thuộc công tác lập hiến, lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 34 dự án luật, 14 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án luật khác, thuộc các lĩnh vực then chốt như: tổ chức bộ máy nhà nước, quốc phòng - an ninh, tư pháp, tài chính - ngân sách, giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số...
Về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, kỳ họp này sẽ quyết định nhiều vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có việc điều chỉnh dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025 để bố trí ít nhất 3% ngân sách cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phấn đấu tăng trưởng 8% năm 2025 và 2 con số trong các năm tiếp theo.

Phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV (Ảnh: Phạm Thắng).
Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia; quyết định rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 và HĐND các cấp. Trong thời gian diễn ra kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua các nghị quyết sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã và nhiều nhiệm vụ quan trọng khác.
Về giám sát tối cao, kỳ họp sẽ dành 1,5 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, tập trung vào những lĩnh vực gắn bó mật thiết với đời sống nhân dân và công tác quản lý Nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Kỳ họp thứ 9 là kỳ họp có ý nghĩa lịch sử, thực hiện đột phá về thể chế để bước vào một kỷ nguyên của hiện đại hóa, số hóa, xanh hóa và phát triển bền vững".