Cảnh báo: Nhiều người lớn nhập viện do sởi, một trường hợp tử vong
(Dân trí) - Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đang tiếp nhận 10-20 ca sởi ở người lớn mỗi ngày. Các triệu chứng thường gặp bao gồm sốt, phát ban, ho, chảy nước mắt và nước mũi. Đáng lo ngại, một bệnh nhân đã tử vong do biến chứng.
Ngày 10/4, Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai thông báo về trường hợp tử vong do sởi ở một bệnh nhân có bệnh nền là phổi tắc nghẽn mạn tính và đái tháo đường.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng biến chứng phổi nặng, phải lọc máu và chạy ECMO. Mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa, bệnh nhân đã không qua khỏi sau 2 tuần.
Theo lãnh đạo Viện Y học Nhiệt đới, số lượng người lớn mắc sởi và phải nhập viện đang gia tăng, với khoảng 10-20 ca mỗi ngày.
Nhiều bệnh nhân chủ quan, không nghĩ rằng mình mắc sởi. Khi nhập viện, họ thường đã gặp các biến chứng như viêm phổi, suy hô hấp, tăng men gan, tiêu chảy, thậm chí viêm não - màng não.

Bệnh nhân sởi biến chứng viêm phổi, phải thở máy điều trị tại Viện Y học Nhiệt đới (Ảnh: Thùy Dương).
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới, cho biết các triệu chứng thường gặp của bệnh sởi bao gồm sốt, phát ban, ho, chảy nước mắt và nước mũi.
Tuy nhiên, bệnh có thể diễn tiến nặng với các biến chứng như viêm phổi, suy hô hấp, tăng men gan, tiêu chảy, thậm chí viêm não - màng não.
"Khoảng 5% bệnh nhân nhập viện vì sởi gặp các biến chứng như viêm đường hô hấp trên, viêm phổi, tăng men gan, suy gan, suy đa phủ tạng phải lọc máu, suy hô hấp phải đặt ống nội khí quản,…
Những người có bệnh nền như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch có nguy cơ cao hơn, dễ diễn tiến nặng và cần can thiệp bằng các biện pháp hỗ trợ", PGS Cường cho biết thêm.
Nhiều người cho rằng sởi là bệnh nhẹ, thường gặp ở trẻ nhỏ và sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Khi có các triệu chứng như sốt, phát ban, ho kéo dài, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Sởi là bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp và dễ bùng phát trong cộng đồng nếu không được kiểm soát. Do đó, khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc sởi, cần được cách ly ngay lập tức để điều trị và tránh lây lan cho người khác.
Sởi ở cả người lớn và trẻ em đều có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm phổi, viêm kết mạc, viêm giác mạc, bội nhiễm gây viêm tai giữa, viêm ruột và các loại nhiễm trùng khác, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng.
"Hiện nay, bệnh sởi đang có xu hướng gia tăng tại Việt Nam, không chỉ ở trẻ em mà còn ở người lớn, đặc biệt là những người có bệnh nền hoặc hệ miễn dịch suy giảm. Vaccine sởi là một loại vaccine an toàn và hiệu quả, được Bộ Y tế khuyến cáo tiêm cho tất cả trẻ em và tiêm nhắc lại.
Việc tiêm vaccine đầy đủ không chỉ giúp bảo vệ bản thân mà còn góp phần kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng", PGS Cường nhấn mạnh.
Vaccine sởi có trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Mới đây, Bộ Y tế đã phê duyệt tiêm cho trẻ 6-9 tháng tuổi, sau đó tiêm nhắc lại khi trẻ 18 tháng hoặc 2 tuổi. Đối với người lớn, cần tiêm nhắc lại khi hệ miễn dịch suy giảm. Nếu chưa tiêm hoặc không nhớ rõ lịch sử tiêm chủng, cần tiêm nhắc lại vaccine sởi-quai bị-rubella (MMR).