Bộ Y tế cảnh báo: COVID-19 và sốt xuất huyết gia tăng cục bộ, ban hành công văn khẩn

(Dân trí) - Tình hình COVID-19, sốt xuất huyết và tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới, và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Bộ Y tế vừa ban hành công văn hỏa tốc nhằm tăng cường công tác phòng chống các bệnh này.

Theo thông tin, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều quốc gia ghi nhận sự gia tăng các ca mắc bệnh, đặc biệt là sốt xuất huyết, tay chân miệng và COVID-19.

Tại Việt Nam, mặc dù tình hình dịch bệnh truyền nhiễm vẫn đang được kiểm soát, tuy nhiên sốt xuất huyết, tay chân miệng và COVID-19 đã bắt đầu có dấu hiệu tăng cục bộ ở một số địa phương.

Ngoài ra, dù chưa bước vào cao điểm mùa mưa, nhiều khu vực đã trải qua dông, lốc, sét và mưa lớn, gây ngập lụt và sạt lở đất. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho ô nhiễm môi trường và làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Bộ Y tế cảnh báo: COVID-19 và sốt xuất huyết gia tăng cục bộ, ban hành công văn khẩn - 1

Một số bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, COVID-19 có xu hướng gia tăng cục bộ tại một số địa phương (Ảnh: B.V).

Trước tình hình mùa hè là thời điểm người dân di chuyển nhiều, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đặc biệt tập trung vào sốt xuất huyết, tay chân miệng, COVID-19 và các dịch bệnh có nguy cơ xảy ra trong mùa mưa bão, ngập lụt.

Để phòng chống sốt xuất huyết, các tỉnh cần triển khai đến cấp xã, tổ dân phố việc loại bỏ, lật úp các vật dụng chứa nước không cần thiết, đậy nắp và giám sát các bể, dụng cụ chứa nước sạch để diệt lăng quăng, bọ gậy, ngủ màn...

Đối với bệnh tay chân miệng, cần hướng dẫn các hộ gia đình, cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học thường xuyên vệ sinh tay cho trẻ nhỏ.

Đồng thời, cần tuyên truyền đến từng hộ gia đình về việc sử dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang ở nơi công cộng và hạn chế tụ tập đông người khi không cần thiết để phòng chống COVID-19.

UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Y tế tăng cường phối hợp giữa hệ thống y tế dự phòng và điều trị trong việc cập nhật số liệu giám sát bệnh truyền nhiễm, giám sát viêm phổi nặng do virus (SVP), giám sát dựa vào sự kiện để cung cấp kịp thời thông tin về các ca bệnh truyền nhiễm và những dấu hiệu bất thường của dịch bệnh.

Từ đó, phát hiện sớm sự gia tăng của các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là sốt xuất huyết, tay chân miệng và COVID-19.

Các cơ sở khám chữa bệnh cần tổ chức tốt việc thu dung và điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời. Cần có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện.

Sở Tài chính các địa phương cần cấp và bổ sung kinh phí kịp thời để chủ động triển khai công tác phòng chống sốt xuất huyết, tay chân miệng, COVID-19 và các dịch bệnh có thể xảy ra trong điều kiện mưa lũ, ngập lụt.

Bộ Y tế cũng yêu cầu tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố.

Bài viết liên quan

Bài viết mới nhất